1. Khái niệm
Tai biến mạch máu não (hay còn gọi là đột quỵ) là một bệnh xảy ra khi việc cung cấp máu lên một phần bộ não bị đột ngột ngừng trệ gây ra các triệu chứng thần kinh tồn tại quá 24 giờ.
Tai biến mạch máu não là một bệnh nặng gây tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt là đối với người cao tuổi. Theo thống kê, trên thế giới hằng năm có khoảng 15 triệu người đột quỵ, 5 triệu người chết và 5 triệu người tàn tật vĩnh viễn. Tỉ lệ tử vong do đột quỵ ở Việt Nam đang cao hơn thế giới. Trung bình mỗi 45 giây có 1 người bị đột quỵ và mỗi 3 phút có một người tử vong.
2. Nguyên nhân gây ra đột quỵ và các dấu hiệu
Nguyên nhân chủ yếu do tăng huyết áp, đái tháo đường, một số bệnh về tim mạch, bệnh mạch máu, rối loạn chuyển hoá lipid, lạm dụng thức uống có cồn như rượu, bia, rối loạn chức năng đông máu.
Dưới đây là 7 dấu hiệu điển hình của đột quỵ:
- Đau đầu dữ dội, cơn đau đến rất nhanh, có thể gây nôn, buồn nôn.
- Hoa mắt, chóng mặt, người mất thăng bằng đột ngột, không phối hợp được các hoạt động.
- Thị lực giảm, mắt mờ, không nhìn rõ. Biểu hiện này thường không rõ rệt nên rất khó nhận biết, nhất là ở người già.
- Rối loạn trí nhớ, không nhận thức được, gặp khó khăn trong việc suy nghĩ từ gì để nói, không diễn đạt được, có cảm giác mơ hồ.
- Khó phát âm, nói không rõ chữ, bị dính chữ, môi lưỡi tê cứng, nói ngọng bất thường.
- Cơ thể mệt mỏi, đột nhiên cảm thấy không còn sức lực, tê cứng mặt hoặc một nửa mặt, nụ cười bị méo mó. Ở một số người, còn có hiện tượng ăn cơm bị rơi vãi, không thể kiểm soát, chảy nước dãi…
- Cử động khó hoặc không thể cử động chân tay, tê liệt một bên cơ thể. Dấu hiệu đột quỵ chính xác nhất là không thể nâng hai cánh tay qua đầu cùng một lúc.
Các triệu chứng này có thể xuất hiện và biến mất rất nhanh, lặp đi lặp lại nhiều lần. Tùy thể trạng sức khỏe của mỗi người mà dấu hiệu đột quỵ khác nhau. Ngoài ra, người bệnh có thể gặp cơn thiếu máu não thoáng qua với các triệu chứng giống hệt đột quỵ nhưng chỉ xảy ra trong vòng vài phút.
3. Xử trí khi xuất hiện dấu hiệu đột quỵ
Mỗi người cần phải lắng nghe cơ thể, khi thấy các dấu hiệu bất thường này xuất hiện cần chủ động đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được kiểm tra, tránh bỏ qua giai đoạn vàng trong cấp cứu bởi mỗi phút qua đi, mức độ tổn thương của hệ thần kinh càng nghiêm trọng. Ước tính có khoảng 2 triệu tế bào thần kinh bị phá huỷ mỗi phút từ khi mạch máu bị ngừng trệ vì đột quỵ, sự trì hoãn và chậm trễ trong cấp cứu bệnh nhân sẽ gây ảnh hưởng càng nhiều đến các tế bào thần kinh và nguy cơ tử vong càng tăng. Về lâu dài, bệnh nhân còn có thể bị di chứng chức năng đáng kể, đôi khi không thể phục hồi. Bởi vậy, ngay khi có dấu hiệu bệnh hoặc phát hiện đột quỵ, người nhà cần nhanh chóng và ngay lập tức chuyển người bệnh đến cơ sở y tế và bệnh viện nơi gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Cần để bệnh nhân đột quỵ trong tư thế nằm thấp. Không cho bệnh nhân ăn uống hay sử dụng bất kỳ loại thuốc nào trừ trường hợp có sự tư vấn của bác sỹ. Thu thập thông tin các đơn thuốc mà người bệnh đã dùng trước đó, lịch sử bệnh tật của người bệnh…
Ngoài việc nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo của đột quỵ, mỗi người cần chủ động phòng ngừa bằng cách lựa chọn lối sống khoa học, lành mạnh, sinh hoạt điều độ, tăng cường tập luyện thể dục thể thao và thường xuyên thăm khám sức khoẻ định kỳ để kiểm soát các bệnh lý nguy cơ hiệu quả.