1. Định nghĩa
Thoái hóa khớp là hậu quả của quá trình cơ học và sinh học làm mất cân bằng giữa tổng hợp và hủy hoại của sụn và xương dưới sụn.
Là bệnh khớp mạn tính thường gặp ở người cao tuổi xảy ra ở nữ giới nhiều hơn nam giới.
2. Phân loại
Theo nguyên nhân chia làm 2 loại thoái hóa khớp gối:
Thoái hóa khớp nguyên phát:
- Xuất hiện tự nhiên không tìm thấy nguyên nhân nào khác ngoài tuổi tác.
- Tình trạng thoái hóa xuất hiện ở nhiều vị trí, tiến triển chậm tăng dần theo tuổi, mức độ không nặng.
Thoái hóa khớp thứ phát:
- Phần lớn do nguyên nhân cơ giới.
- Khu trú ở một vài vị trí nhất định, nặng và tiến triển nhanh.
- Thoái hóa khớp ở người cao tuổi thường do các nguyên nhân: Chấn thương, bệnh lý xương sụn, bệnh nội tiết, do sử dụng corticoid kéo dài…
3. Triệu chứng
3.1. Triệu chứng lâm sàng
– Đau khớp có tính cơ học liên quan đến vận động: Đau âm ỉ tăng khi vận động giảm khi nghỉ ngơi.
– Hạn chế vận động: Khi đi cầu thang, đang ngồi ghế đứng dậy, đi bộ lâu… thì xuất hiện cơn đau.
– Biến dạng trong thoái hóa khớp thường do mọc gai xương, lệch trục khớp hoặc thoát vị màng hoạt dịch.
– Các dấu hiệu khác:
- Tiếng lục khục khi vận động khớp.
- Dấu hiệu “ phá gỉ khớp” : Là dấu hiệu cứng khớp khi mới ngủ dậy hoặc lúc bắt đầu vận động kéo dài < 30p.
- Teo cơ do ít vận động.
- Tràn dịch khớp do phản ứng viêm thứ phát của màng hoạt dịch.
3.2. Triệu chứng cận lâm sàng
– X quang khớp gối:
- Hẹp khe khớp: Hẹp khe không đồng đều, bờ không đều.
- Đặc xương dưới sụn.
- Mọc gai xương: Thường gặp trên mâm chày hoặc xương bánh chè, hình ảnh dị vật trong khớp hoặc quanh khớp.
– Chụp cộng hưởng từ, cắt lớp vi tính ít được sử dụng để chẩn đoán do giá thành cao, nội soi khớp thường chỉ dùng trong điều trị, siêu âm khớp có giá trị phát hiện dịch, gai xương…
– Xét nghiệm máu và sinh hóa:
- Tốc độ máu lắng, số lượng bạch cầu, CRP trong giới hạn bình thường.
- Dịch khớp bình thường màu vàng, độ nhớt bình thường hoặc giảm nhẹ.
4. Chẩn đoán xác định
Theo tiêu chuẩn chẩn đoán thoái hóa khớp của Hội thấp khớp học Mỹ 1991:
1) Hình ảnh mọc gai xương ở rìa khớp trên X quang
2) Dịch khớp là dịch thoái hóa
3) Tuổi trên 38
4) Cứng khớp dưới 30p
5) Lục khục khi cử động
Chẩn đoán xác định khi có yếu tố 1,2,3,4 hoặc 1,2,5 hoặc 1,4,5
5. Điều trị
– Nguyên tắc cơ bản trong điều trị thoái hóa khớp:
- Làm chậm quá trình hủy hoại khớp, đặc biệt là ngăn sự thoái hóa của sụn khớp.
- Giảm đau.
- Duy trì khả năng vận động, hạn chế mức thấp nhất sự tàn phế.
5.1. Điều trị nội khoa
– Thuốc điều trị triệu chứng tác dụng nhanh:
- Thuốc giảm đau thuộc nhóm NSAIDs: Nên sử dụng nhóm ức chế chọn lọc COX-2 (Celecoxib) ít gây tác dụng phụ và dung nạp tốt đối với người cao tuổi.
- Các thuốc giảm đau bôi ngoài da tại khớp đau ( Voltarel emugel) giảm đau đáng kể ít gây tác dụng không mong muốn như đường toàn thân.
- Thuốc giảm đau chống viêm Steroid không dùng đường toàn thân, chỉ sử dụng tiêm nội khớp nếu đau và sưng nhiều đặc biệt là trong trường hợp viêm màng hoạt dịch kèm theo.
– Thuốc điều trị triệu chứng tác dụng chậm:
- Thuốc không đạt hiệu quả tức thì mà thường phát huy tác dụng sau 1 thời gian điều trị (1-2 tháng). Tác dụng kích thích tế bào sụn, ức chế men tiêu sụn, làm tăng chất nhầy của khớp… thuốc dung nạp tốt ít tác dụng phụ, một số thuốc như: Glucosamin, Hyaluronic acid…
5.2. Điều trị ngoại khoa
Nội soi khớp: Nội soi khớp có tác dụng cắt các mảnh sụn, bao khớp bị rách do thoái hóa, bơm rửa làm kéo dài thời gian không đau của khớp, có thể cấy ghép các tế bào sụn nuôi để phục hồi bề mặt khớp.
Điều trị ngoại khoa dự phòng: Sửa chữa các dị dạng khớp lệch trục để phòng thoái hóa khớp thứ phát. ( ít áp dụng với người cao tuổi)
Thay khớp giả: Chỉ định trong các trường hợp đau nhiều hạn chế vận động nhiều, tổn thương cấu trúc khớp nặng trên x quang, không đáp ứng với điều trị nội khoa.
5.3. Các phương pháp điều trị khác
– Tránh cho khớp bị quá tải bởi trọng lượng và vận động:
- Duy trì cân nặng hợp lý, giảm cân ở người béo phì.
- Tránh các tư thế: Đứng lâu, đi bộ, leo cầu thang nhiều, không nên vận động quá mạnh quá lâu.
– Vật lý trị liệu: Siêu âm, điện xung, chiếu tia hồng ngoại …
5.4. Điều trị bằng y học cổ truyền
Thoái hóa khớp gối thuộc phạm vi chứng tý của y học cổ truyền, bệnh danh là hạc tất phong.
Tùy theo từng thể bệnh sẽ có pháp và phương thuốc điều trị phù hợp, kết hợp với châm cứu xoa bóp bấm huyệt. Ngoài ra còn sử dụng thuốc dùng ngoài: Dán cao thuốc, bôi thuốc… phương pháp này đều sử dụng các vị thuốc y học cổ truyền có tác dụng hành khí hoạt huyết tiêu thũng để giảm sưng nề, giảm đau.
6. Phòng bệnh
Luyện tập thể dục thể thao hợp lý, nên tập các bài tập nhẹ nhàng như yoga, không tập những môn thể thao nặng kéo dài như chạy, tennis…
Hạn chế bê vác nặng.
Ăn uống hợp lý duy trì cân nặng phù hợp, giảm cân ở người béo phì.
Với người cao tuổi cần khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện điều trị sớm các biểu hiện của thoái hóa khớp.