• Trang chủ
  • >
  • Rối loạn tiền đình là gì? Nguyên nhân và cách phòng tránh bệnh

1. Khái niệm

– Rối loạn tiền đình là 1 hội chứng của nhiều nguyên nhân khác nhau do những rối loạn có liên quan đến thăng bằng, xuất phát từ dây thần kinh số 8 (dây tiền đình) và các đường nối kết của nó. Nếu bộ phận này bị tổn thương sẽ khiến thông tin dẫn truyền bị sai lệch, các biểu hiện thường gặp nhất là chóng mặt, mất thăng bằng, ngoài ra có thể có các triệu chứng khác như: Ù tai, buồn nôn, nôn, tim đập nhanh, vã mồ hôi…

Chóng mặt là biểu hiện phổ biến nhất

– Dây thần kinh số 8 là thần kinh cảm giác, bao gồm hai phần, mỗi phần đảm nhận chức năng giác quan riêng:

  • Thần kinh ốc tai: Chức năng cảm giác thính giác.
  • Thần kinh tiền đình: Chức năng cảm giác thăng bằng.

Dây thần kinh số 8 xuất phát từ cầu não, đi vào xương đá qua lỗ ống tai trong, là đường truyền dẫn thông tin điều khiển hệ thống tiền đình giữ thăng bằng cho cơ thể.

– Cấu tạo của hệ thống tiền đình:

Hệ thống tiền đình bao gồm 2 phần là các ống bán khuyên và bộ phận tiền đình thực sự:

  • Các ống bán khuyên: Bao gồm 3 ống bán khuyên, có hình vòng cung, mỗi ống bán khuyên đều có 1 đầu phẳng và 1 đầu phình to được gọi là bóng phình. Ở các bóng phình có chứa các tế bào thần kinh cảm giác (cơ quan bóng phình).
  • Bộ phận tiền đình thực sự: Bộ phận này gồm 2 phần chính là soan nang (hình bầu dục) và cầu nang (hình cầu). Soan nang nằm trên gần với 5 lỗ thông với các ống bán khuyên, cầu nang nằm dưới gần với vòng xoắn nền của ốc tai.
Hệ thống rối loạn tiền đình

– Chức năng của hệ thống tiền đình:

  • Chức năng chính của hệ thống tiền đình là giữ thăng bằng cho cơ thể khi thực hiện các chuyển động như di chuyển, xoay người, cúi người… được điều khiển bởi các nhóm thần kinh nằm trong não.
  • Phần ngoại vi của hệ thống tiền đình là một bộ phận của tai trong hoạt động như một thiết bị hướng dẫn quán tính và gia tốc thu nhỏ, giúp liên tục báo cáo thông tin về các chuyển động, vị trí của đầu và cơ thể đến các trung tâm tích hợp nằm trong thân não, tiểu não và vỏ não.

 

2. Phân loại hội chứng tiền đình

Hội chứng tiền đình được chia thành hội chứng tiền đình trung ương và hội chứng tiền đình ngoại biên dựa vào vị trí giải phẫu:

  • Tổn thương tiền đình ngoại biên khi có tổn thương ở khu vực tai trong, nhân và dây tiền đình. Thường gặp ở 90% – 95% bệnh nhân, biểu hiện lâm sàng đa dạng tùy thuộc theo nguyên nhân, với biểu hiện có thể là các cơn chóng mặt thoáng qua, chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn, xuất hiện khi thay đổi tư thế như lắc đầu, từ tư thế nằm chuyển sang ngồi. Bên cạnh đó, còn có thể xuất hiện tình trạng chóng mặt nặng và kéo dài, người bệnh không thể đi đứng hay thay đổi từ nằm sang ngồi được kèm theo nôn ói nhiều, ù tai, giảm thính lực, nặng đầu, khó tập trung, rối loạn vận mạch khiến da tái xanh, giảm nhịp tim, vã mồ hôi, nghiêm trọng hơn là té ngã gây chấn thương do không kiểm soát được thăng bằng.
  • Tổn thương tiền đình trung ương khi tổn thương các đường dẫn truyền tiền đình đi tới nhân tiền đình tại thân não. Chóng mặt là triệu chứng thường gặp nhất, người bệnh đi đứng khó khăn, khi thay đổi tư thế bị choáng váng, thỉnh thoảng kèm theo nôn ói. 

 

3. Nguyên nhân rối loạn tiền đình

– Rối loạn tiền đình ngoại biên do các nguyên nhân: Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính, viêm/u dây thần kinh tiền đình, dị vật ống tai ngoài, viêm tai giữa cấp, rối loạn chuyển hóa bao gồm: Suy giáp, tiểu đường, tăng ure huyết…

– Rối loạn tiền đình trung ương: Thường gặp nhất là migraine, nhiễm trùng não, xuất huyết não, nhồi máu não, chấn thương, u não, xơ cứng rải rác.

– Ngoài ra, một số nguyên nhân khác gây rối loạn tiền đình bao gồm:

  • Tuổi tác: Phần lớn những người ở độ tuổi từ 40 trở lên có nguy cơ mắc hội chứng rối loạn tiền đình cao hơn những người trẻ do suy giảm chức năng của 1 số cơ quan. 
  • Mất máu quá nhiều: Những người bị mất máu do chấn thương, nôn ra máu, đi ngoài ra máu, phụ nữ sau sinh… là đối tượng có nguy cơ rối loạn tiền đình cao.
  • Căng thẳng.
  • Dùng quá nhiều chất kích thích như rượu, bia…
Một số nguyên nhân gây ra tiền đình

 

4. Chẩn đoán

Chủ yếu dựa vào lâm sàng

4.1.Triệu chứng lâm sàng

– Chóng mặt: Người bệnh có cảm giác đồ vật xung quanh quay tròn. Thường kèm theo các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật như buồn nôn, vã mồ hôi, cảm giác sợ ngã, thường cảm giác quay rất mạnh, đặc biệt khó chịu.

– Mất thăng bằng:

  • Có thể rất mãnh liệt: Bệnh nhân không thể đứng được, thường gặp trong giai đoạn đầu của hội chứng tiền đình ngoại biên.
  • Có thể ở mức độ vừa phải được phát hiện thông qua các nghiệm pháp khám như: Nghiệm pháp  Romberg, dáng đi hình sao…
Một số triệu chứng nổi bật của tiền đình

*Nghiệm pháp Romberg: 

 Thì 1: Bệnh nhân đứng thẳng, hai bàn chân chụm vào nhau, hai tay giơ ra trước, các ngón tay xòe ra.

 Thì 2: Bệnh nhân nhắm mắt lại.

Nghiệm pháp romberg

Nghiệm pháp Romberg dương tính khi: Bệnh nhân không đứng được ở tư thế xuất phát trong thì 1 hoặc bệnh nhân duy trì được ở tư thế xuất phát khi mở mắt, nhưng khi nhắm mắt bệnh nhân không đứng vững mà lảo đảo ngã về một bên. Bệnh nhân ngã về bên nào ta nói nghiệm pháp dương tính bên đó.

*Dáng đi hình sao: Bệnh nhân nhắm mắt tiến lên 5 bước, sau đó lùi lại 5 bước, bệnh nhân cố gắng đi trên đường thẳng. Nghiệm pháp dương tính khi đường đi mà bệnh nhân vạch ra trên mặt đất tạo thành hình ngôi sao.

– Rung giật nhãn cầu: Là một vận động tự động của cả hai nhãn cầu, đặc trưng bởi sự xuất hiện liên tục có nhịp, khá đều đặn và sự liên tục thay đổi hướng của sự chuyển động xen kẽ nhau…

4.2.Triệu chứng cận lâm sàng

– X quang cột sống cổ đánh giá hẹp khe khớp.

– Siêu âm hệ mạch cảnh đốt sống: Xác định mảng xơ vữa, bóc tách động mạch gây hẹp mạch, tắc mạch…

– Chụp cắt lớp sọ não, MRI sọ não tìm các tổn thương như: U góc cầu tiểu não, TBMM não…

 

5. Điều trị

5.1. Nguyên tắc điều trị

Điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân, quan trọng nhất là xử trí những cơn chóng mặt cấp, xảy ra bất ngờ để phòng tránh tai nạn té ngã cho người bệnh.

5.2. Dùng thuốc

– Chống nôn ( Metoclopramid)

– Bù điện giải nếu bệnh nhân nôn nhiều bằng dung dịch đẳng trương.

– Chống chóng mặt (Tanganil)

– Cải thiện tuần hoàn não (Piracetam)

– An thần kinh (Seduxen) 

 

6. Phòng bệnh

Phòng bệnh rối loạn tiền đình

Rối loạn chức năng tiền đình là căn bệnh phổ biến, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể phòng tránh bằng những cách đơn giản sau:

  • Luyện tập thể dục đều đặn và hợp lý.
  • Giảm căng thẳng lo lắng.
  • Tránh đọc sách báo khi ngồi ô tô, nên ngồi hoặc nằm ngay xuống khi thấy chóng mặt.
  • Uống đủ nước mỗi ngày.
  • Hạn chế sử dụng chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá…
  • Đối với những người bị rối loạn tiền đình, cần thận trọng khi hoạt động vùng đầu cổ.
  • Không nên quay cổ đột ngột hoặc thay đổi tư thế đứng lên ngồi xuống quá nhanh.
  • Khi có dấu hiệu của bệnh, nên đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *