1. Đại cương
Đau nửa đầu migraine là một bệnh lý đau đầu tự phát với các đặc tính cơ bản là đau nửa đầu từng cơn, cường độ từ vừa phải đến dữ dội, thường khu trú, các cơn đau nửa đầu kéo dài hàng giờ cho đến vài ngày, đau theo mạch đập, đau gia tăng khi hoạt động thể lực, đau tái diễn có chu kỳ, kèm theo buồn nôn hoặc nôn, sợ ánh sáng, sợ tiếng ồn, có thể kèm theo mù mắt tạm thời. Ngoài cơn bệnh nhân hoàn toàn bình thường.
Tần suất bị đau nửa đầu cũng khác nhau, tùy từng người bệnh. Một số người thường xuyên chịu đựng cơn đau lên đến vài lần/tuần nhưng có người thỉnh thoảng mới bị đau nửa đầu. Khoảng cách giữa hai cơn đau nửa đầu migraine có thể lên tới vài năm.
Vị trí cơn đau cũng có thể khác nhau ở từng người. Có người chỉ bị đau nửa đầu bên trái, có người chỉ đau nửa đầu bên phải, một số khác mỗi lần sẽ đau ở một vị trí khác nhau.
2. Phân loại cơn đau nửa đầu migraine
2.1. Migraine không có dấu hiệu báo trước
Là loại phổ biến, cơn đau xuất hiện đột ngột mà không có dấu hiệu báo trước.
2.2. Migraine có dấu hiệu báo trước
Người bệnh gặp các dấu hiệu cảnh báo cơn đau nửa đầu sắp xảy ra như:
- Rối loạn thị giác như thấy các tia lóe sáng hoặc có những điểm mù.
- Ngứa ran một bên mặt, tay, chân.
- Thay đổi mùi vị, mất thính lực tạm thời và khó nói chuyện.
3. Triệu chứng
Bệnh đau nửa đầu có thể bắt đầu từ thời thơ ấu, thanh thiếu niên hoặc vừa trưởng thành. Bệnh tiến triển qua 4 giai đoạn gồm: Tiền triệu, dấu hiệu báo trước, cơn đau nửa đầu với các triệu chứng đi kèm và thời gian sau cơn đau đầu. Tuy nhiên, không phải ai cũng đều trải qua đầy đủ các giai đoạn này.
3.1. Giai đoạn tiền triệu
Một hoặc hai ngày trước khi cơn đau nửa đầu diễn ra, bạn có thể nhận thấy những dấu hiệu cảnh báo về cơn đau sắp tới, bao gồm:
- Táo bón.
- Thay đổi tâm trạng, từ buồn rầu sang hưng phấn.
- Thèm ăn.
- Cứng cổ.
- Tăng cảm giác khát nước và đi tiểu nhiều hơn.
- Ngáp thường xuyên.
3.2. Giai đoạn có dấu hiệu báo trước
– Một số người có thể gặp những dấu báo thoáng qua trước khi xuất hiện các cơn đau nửa đầu. Giai đoạn này có những triệu chứng có thể phục hồi lại liên quan đến hệ thống thần kinh. Mỗi triệu chứng bắt đầu từ từ, rõ ràng hơn trong vài phút và kéo dài trong khoảng 20–60 phút.
– Các hiện tượng có thể xảy ra trong giai đoạn này như:
- Rối loạn thị giác, chẳng hạn như nhìn thấy nhiều điểm sáng, tia sáng lóe lên hay nhiều hình dạng khác nhau.
- Mất thị lực tạm thời.
- Cảm giác châm chích ở một bên cánh tay hay chân.
- Gặp khó khăn khi nói chuyện.
- Nghe thấy các tiếng ồn hay nhạc bên tai.
- Không thể kiểm soát chuyển động cơ thể.
- Thay đổi mùi vị.
3.3. Giai đoạn đau nửa đầu cùng các triệu chứng khác
Cơn đau nửa đầu thường kéo dài từ 4 – 72 tiếng nếu không được can thiệp điều trị. Trong lúc này, bạn có thể bị:
- Đau ở một nửa đầu bên trái hoặc bên phải. Cơn đau cũng có thể bắt đầu từ một bên, sau đó lan sang bên còn lại.
- Cơn đau nhói lên hoặc đau như bị đập vào đầu.
- Nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh, đôi khi nhạy cảm với mùi hoặc chạm vào một số đồ vật.
- Buồn nôn và nôn mửa.
3.4. Giai đoạn sau cơn đau nửa đầu
Sau khi trải qua cơn đau nửa đầu, đa số người bệnh cảm thấy kiệt sức, mệt mỏi, không còn tỉnh táo và cần được nghỉ ngơi.
4. Nguyên nhân đau nửa đầu migraine
– Nguyên nhân gây đau nửa đầu vẫn chưa được hiểu hết nhưng các yếu tố môi trường và di truyền dường như góp phần gây ra tình trạng này.
– Những tác nhân kích thích đau nửa đầu xuất hiện bao gồm:
- Thay đổi nội tiết tố ở phụ nữ: Nồng độ estrogen bị biến động trước hoặc trong kỳ kinh nguyệt, mang thai hay mãn kinh có thể gây ra đau đầu ở nhiều người.
- Sử dụng thuốc có chứa nội tiết tố, chẳng hạn như thuốc tránh thai hay liệu pháp thay thế hormone đôi khi cũng khiến cơn đau nửa đầu trầm trọng hơn.
- Một số đồ uống như: Rượu, nhất là rượu vang, bia và uống quá nhiều caffeine gây kích thích thần kinh.
- Căng thẳng trong công việc, cuộc sống cũng có thể kích thích cơn đau nửa đầu xuất hiện.
- Các yếu tố kích thích giác quan như ánh sáng rực rỡ, chói lóa, âm thanh lớn hay các mùi nồng, mạnh (Như nước hoa, mùi sơn, khói thuốc lá…) có khả năng gây đau đầu ở một số người.
- Thay đổi giấc ngủ, bao gồm mất ngủ, ngủ quá nhiều.
- Thời tiết thay đổi hay áp suất thay đổi cũng có khi góp phần kích thích cơn đau nửa đầu xuất hiện.
- Một vài thực phẩm như thực phẩm ướp mặn hay chế biến sẵn hay các chất phụ gia như bột ngọt, chất bảo quản cũng có khả năng gây đau nửa đầu.
- Thuốc giãn mạch có chứa nitroglycerin có thể khiến chứng đau nửa đầu migraine nặng hơn.
– Những đối tượng có nguy cơ cao mắc chứng đau nửa đầu migraine:
- Tiền sử gia đình mắc phải căn bệnh này.
- Thường khả năng bị đau nửa đầu cao nhất trong độ tuổi 30 và mức độ nghiêm trọng của cơn đau giảm dần sau mỗi 10 năm.
- Phụ nữ có nguy cơ gặp phải tình trạng này cao gấp 3 lần đàn ông.
- Thay đổi nội tiết tố khi có kinh nguyệt, khi mang thai hay mãn kinh, cơn đau thường được cải thiện sau độ tuổi mãn kinh.
5. Điều trị
5.1. Điều trị cắt cơn đau
Điều trị sớm ngay từ khi có biểu hiện đầu tiên của cơn migraine: Gồm sử dụng các thuốc không đặc hiệu và các thuốc đặc hiệu.
– Các thuốc không đặc hiệu: Dùng một trong các thuốc:
- Acetaminophen ( Paracetamol ); Aspirin.
- Thuốc kháng viêm không Steroid.
- Các thuốc giảm đau có chứa Opiod.
- Các dạng phối hợp (Ultracet ; Philmadol).
- Corticoid.
- Thuốc chống nôn : Doperidone.
- Thuốc an thần kinh: Seduxen.
– Bù nước, điện giải.
– Các thuốc đặc hiệu:
- Ergotamin Tartrat.
- Sumatriptan.
5.2. Điều trị dự phòng cơn Migraine
Sau khi cắt cơn đau cần tiếp tục điều trị để duy trì kết quả và phòng cơn đau tái phát. Có nhiều loại thuốc có thể sử dụng để điều trị nền. Nguyên tắc cơ bản là duy trì điều trị nền đủ lâu (3-6 tháng) để tránh tái phát.
– Các thuốc điều trị nền:
- Thuốc kháng động kinh: Topamax.
- Thuốc chẹn kênh Canxi: Sibelium.
- Thuốc chống trầm cảm: Amitriptilin.
6. Phòng tránh đau nửa đầu migraine
– Có thể áp dụng một số cách giúp giảm nhẹ triệu chứng đau nửa đầu ngay tại nhà như:
- Nghỉ ngơi, nhắm mắt và nằm thư giãn trong một căn phòng yên tĩnh, không có quá nhiều ánh sáng.
- Thay quần áo rộng rãi, thoáng mát hay chườm mát vùng trán.
- Uống nhiều nước, bổ sung đủ nước cho cơ thể.
– Để phòng ngừa đau nửa đầu migraine nên thay đổi lối sống:
- Tìm cách quản lý những căng thẳng trong công việc, cuộc sống như tập luyện thể dục, tập thiền. Các cách này có thể giúp giảm bớt mức độ nghiêm trọng và tần suất xuất hiện đau nửa đầu.
- Ghi chú lại những thứ bạn nghĩ đã kích thích cơn đau nửa đầu xảy ra, từ đó thay đổi lối sống phù hợp.
- Nên thiết lập thói quen ngủ khoa học, không ngủ quá ít hoặc quá nhiều, đồng thời cố gắng ăn các bữa vào cùng một thời điểm trong ngày.
- Tập thể dục đều đặn với các bài tập như đi bộ, đạp xe, bơi lội, aerobic…Hãy khởi động từ từ, tránh tập ngay với cường độ cao đột ngột có thể kích hoạt cơn đau đầu.
- Nếu bị béo phì, thừa cân, hãy giảm cân. Điều này có thể thực hiện bằng chế độ luyện tập và ăn uống hợp lý. Bởi béo phì cũng được cho là yếu tố nguy cơ của chứng đau nửa đầu migraine.