• Trang chủ
  • >
  • Rối loạn kinh nguyệt và cách phòng tránh

1. Rối loạn kinh nguyệt là gì?

Rối loạn kinh nguyệt là những bất thường ở một chu kỳ kinh nguyệt, có thể biểu hiện bằng số ngày hành kinh không ổn định, lượng máu kinh đột nhiên nhiều hơn hoặc ít hơn so với các chu kỳ thông thường.

Hầu hết thời gian hành kinh ở phụ nữ kéo dài từ 4–7 ngày. Chu kỳ kinh nguyệt thường lặp lại sau mỗi 28 ngày, khoảng thời gian này bình thường có thể dao động từ 21–35 ngày.

Đây là sự bất thường trong 1 chu kỳ kinh nguyệt

 

2. Dấu hiệu của rối loạn kinh nguyệt

Một chu kỳ kinh nguyệt vẫn được xem là đều đặn nếu chỉ thay đổi một chút từ chu kỳ này sang chu kỳ khác. Rối loạn kinh nguyệt chỉ những dấu hiệu sau:

  • Khoảng cách giữa các kỳ kinh ít hơn 24 ngày hoặc dài hơn 38 ngày.
  • Mất kinh từ 3 chu kỳ trở lên.
  • Lượng máu kinh đột nhiên chảy nhiều hơn hoặc ít hơn so với những chu kỳ thông thường.
  • Thời gian hành kinh kéo dài hơn 8 ngày.
  • Chảy máu bất thường hoặc xuất hiện đốm máu giữa các chu kỳ kinh, sau khi quan hệ tình dục hoặc sau mãn kinh.
  • Trong kỳ kinh có thể gặp phải các triệu chứng khác như đau đầu, chuột rút, đau bụng dữ dội, buồn nôn, nôn.
Một số dấu hiệu phổ biến của rối loạn kinh nguyệt

 

3. Các dạng rối loạn kinh nguyệt thường gặp

3.1. Rong kinh

Đây là hiện tương ra máu kéo dài quá 7 ngày

– Rong kinh là hiện tượng ra máu từ đường sinh dục kéo dài quá 7 ngày, có chu kỳ.

– Hiện tượng rong kinh có thể xuất hiện ở những năm tuổi thiếu niên khi nữ giới bắt đầu có kinh nguyệt, hoặc vào những năm 40-50 tuổi khi phụ nữ bước sang tuổi tiền mãn kinh.

– Ngoài ra, rong kinh còn xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác như:

  • Mất cân bằng nội tiết tố (hormone) trong cơ thể.
  • Nhiễm trùng âm đạo.
  • Viêm cổ tử cung.
  • U xơ tử cung.
  • Biến chứng từ việc đặt vòng tránh thai.
  • Suy giáp…

3.2. Vô kinh

– Vô kinh là tình trạng không có kinh nguyệt liên tục tạm thời hoặc vĩnh viễn do rối loạn chức năng vùng dưới đồi, tuyến yên, buồng trứng, tử cung hoặc âm đạo.

Vô kinh là tình trạng không có kinh nguyệt

– Vô kinh thường được chia ra 2 loại:

  • Vô kinh nguyên phát (Đến khi 15 tuổi vẫn không có kinh nguyệt).
  • Vô kinh thứ phát (Không có kinh nguyệt từ 3 chu kì hoặc từ 6 tháng trở lên ở những phụ nữ đã từng có kinh nguyệt).

3.3. Đau bụng kinh

– Hầu hết phụ nữ đều từng bị đau bụng kinh trước hoặc trong kỳ kinh nguyệt vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Ở một số người, triệu chứng đau bụng kinh xảy ra nhẹ nhàng ở mỗi tháng. Tuy nhiên, nếu tình trạng trạng đau đớn và kéo dài gọi là đau bụng kinh.

Đau bụng kinh là tình trạng thường gặp của chị em

– Có thể gặp những cơn đau bụng kinh như chuột rút là do tử cung co thắt dưới sự kích hoạt của Prostaglandin một chất giống như hormone được sản xuất bởi các tế bào niêm mạc tử cung. Khi đau bụng kinh có thể có cảm giác tiêu chảy hoặc muốn ngất xỉu, người trở nên nhợt nhạt và đổ nhiều mồ hôi, bởi Prostaglandin làm tăng tốc độ co bóp tử cung, làm giãn mạch máu, hạ huyết áp và chóng mặt.

3.4. Hội chứng tiền kinh nguyệt

– Các triệu chứng tiền kinh nguyệt thường xuất hiện khoảng 5-7 ngày trước khi kỳ kinh nguyệt bắt đầu, và biến mất ngay khi kỳ kinh nguyệt bắt đầu.

– Các triệu chứng tiền kinh nguyệt gồm:

  • Đầy bụng
  • Căng, sưng và tức ngực
  • Nhức đầu
  • Táo bón
  • Dễ tức giận và cáu gắt
  • Lo lắng và bối rối
  • Căng thẳng, tâm trạng thất thường…
Triệu chứng của tiền kinh nguyệt

 

4. Nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt

Có nhiều nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt, trong đó phổ biến nhất là:

– Sự thay đổi nội tiết tố:

  • Dậy thì: Khi bước sang tuổi dậy thì, cơ thể nữ giới phải mất nhiều năm mới có thể cân bằng được nồng độ Estrogen và Progesterone trong cơ thể. Vì thế, rối loạn kinh nguyệt có thể xảy ra ở giai đoạn này.
  • Mang thai và cho con bú: Trong suốt thời gian mang thai và ngay cả thời điểm cho con bú 6 tháng, phụ nữ sẽ mất kinh.
  • Tiền mãn kinh: Buồng trứng suy giảm, không còn hiện tượng rụng trứng nên phụ nữ tiền mãn kinh sẽ mất dần kinh nguyệt. Phụ nữ được xem là mãn kinh khi không còn xuất hiện kinh nguyệt trong 1 năm.

– Các nguyên nhân thực thể:

  • Thai kỳ bất thường như mang thai ngoài tử cung, dọa sảy thai…
  • Các bệnh lý phụ khoa như polyp tử cung, u xơ tử cung, buồng trứng đa nang, quá sản nội mạc tử cung, ung thư cổ tử cung…
  • Các bệnh lý viêm nhiễm như viêm nhiễm đường sinh dục, viêm niêm mạc tử cung…
  • Các bệnh lý khác như đái tháo đường, u giáp, u tuyến yên…

– Thói quen ăn uống và sinh hoạt:

  • Chế độ ăn uống: Thay đổi khẩu phần ăn hàng ngày, thiếu hụt dinh dưỡng, giảm cân hoặc tăng cân quá mức có thể khiến chị em bị rối loạn kinh nguyệt.
Chế độ ăn uống cũng góp phần làm rối loạn kinh nguyệt
  • Tập luyện thể dục, thể thao quá mức có thể kéo dài ngày hành kinh và tăng lượng máu kinh.
  • Sử dụng các loại thuốc tránh thai, thuốc điều trị bệnh đái tháo đường, cao huyết áp… cũng gây tác dụng phụ là rối loạn kỳ kinh nguyệt.

 

5. Rối loạn kinh nguyệt có nguy hiểm không?

Tình trạng rối loạn kinh nguyệt diễn ra thường xuyên và kéo dài có thể dẫn đến:

  • Thiếu máu: Tình trạng rong kinh kéo dài gây mất nhiều máu có thể khiến chị em bị thiếu máu, da xanh xao, mệt mỏi, chóng mặt, thở gấp, loạn nhịp tim… Nguy hiểm hơn, thiếu máu nặng có thể bị đe dọa đến tính mạng.
  • Tăng nguy cơ mắc bệnh phụ khoa: Thời gian hành kinh kéo dài không chỉ gây bất tiện trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, mà còn là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, ký sinh trùng dễ tấn công và gây nên các bệnh viêm nhiễm phụ khoa như viêm âm đạo, viêm buồng trứng…
  • Kỳ kinh nguyệt không đều đặn khiến chị em khó canh thời điểm rụng trứng, dẫn đến khó thụ thai thành công để mang thai.
  • Ảnh hưởng đến đời sống tình dục: Chu kỳ kinh kéo dài không thể thực hiện quan hệ tình dục, hoặc nếu quan hệ vào những ngày hành kinh sẽ khiến chị em dễ mắc các bệnh phụ khoa.
  • Ảnh hưởng đến nhan sắc người phụ nữ: Estrogen và Progesterone đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe và sắc đẹp nữ giới. Tình trạng rối loạn hormone sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhan sắc chị em, khiến làn da kém mịn màng, tâm trạng dễ cáu gắt, nóng nảy…
Rối loạn kinh nguyệt làm ảnh hưởng đến nhan sắc
  • Nguy hiểm đến tính mạng: Một số trường hợp rối loạn kinh nguyệt là triệu chứng của bệnh lý như u xơ tử cung, u nang buồng trứng…Nếu không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời có thể biến chứng, chèn ép các cơ quan lân cận hoặc rối loạn kinh nguyệt cũng là biểu hiện của các bệnh lý ung thư như ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư nội mạc tử cung… Có thể đe dọa tính mạng phụ nữ nếu không điều trị kịp thời.

 

6. Chẩn đoán rối loạn kinh nguyệt

– Để đưa ra chẩn đoán cần khai thác tiền sử và bệnh sử của bệnh nhân và thăm khám, bao gồm khám phụ khoa và làm xét nghiệm Pap (Hay còn gọi là xét nghiệm Papanicolaou, phết PAP, phết tế bào cổ tử cung) là phương pháp để tầm soát phát hiện những biến đổi bất thường của tế bào cổ tử cung.

– Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện thêm một vài xét nghiệm bổ sung để gia tăng kết quả chẩn đoán như:

  • Xét nghiệm máu.
  • Xét nghiệm nội tiết tố.
  • Siêu âm.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI).
  • Nội soi buồng tử cung.
  • Sinh thiết nội mạc tử cung.
  • Nội soi ổ bụng.

 

7. Điều trị

Điều trị rối loạn kinh nguyệt sẽ phụ thuộc vào kết quả thăm khám, xét nghiệm tìm nguyên nhân, nguyện vọng mang thai, sinh nở. Thông thường, bác sĩ ưu tiên khuyến khích tự điều chỉnh lại chu kỳ kinh nguyệt bằng cách thay đổi lối sống, sau đó mới áp dụng điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa tùy theo từng nguyên nhân:

  • Thay đổi lối sống: Nên xây dựng chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, hạn chế tiêu thụ muối, caffeine, đường và không uống rượu bia trước kỳ kinh, điều này giúp tránh được những triệu chứng tiền kinh nguyệt.
  • Điều trị nội khoa: Sử dụng thuốc giảm đau, thuốc điều hòa kinh nguyệt… theo đúng chỉ định của bác sĩ.
  • Điều trị ngoại khoa: Đối với các nguyên nhân thực thể có thể gồm nội soi tử cung, phẫu thuật mở để cắt bỏ nội mạc tử cung, cắt bỏ tử cung để điều trị bệnh lý gây rối loạn kinh nguyệt. Sau khi thực hiện phẫu thuật, kinh nguyệt sẽ chấm dứt hoàn toàn.
  • Điều trị y học cổ truyền: Khi đã loại trừ nguyên nhân thực thể thì điều trị rối loạn kinh nguyệt bằng thuốc y học cổ truyền sẽ có hiệu quả cao.
Phương pháp y học cổ truyền là 1 phương pháp hữu ích

 

8. Phòng tránh rối loạn kinh nguyệt

Để phòng tránh hiện tượng rối loạn kinh nguyệt, cần lưu ý những điều sau:

  • Xây dựng và duy trì lối sống lành mạnh bằng chế độ dinh dưỡng khoa học, tập luyện thể dục thể thao điều độ.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học
  • Chú ý nghỉ ngơi hợp lý, đảm bảo giấc ngủ ngon, đủ giấc.
  • Tránh tình trạng căng thẳng, lo âu kéo dài.
Không nên để bản thân rơi vào tình trạng stress
  • Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, nhất là trong những ngày hành kinh. Cần thay băng vệ sinh sau mỗi 4-6 giờ để tránh gây nhiễm trùng, tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh tấn công.
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn sử dụng thuốc tránh thai hoặc biện pháp tránh thai phù hợp, không gặp tác dụng phụ.
  • Thăm khám sức khỏe phụ khoa định kỳ, tối thiểu 6 tháng/lần hoặc theo chỉ định của bác sĩ.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *