1. Định nghĩa về lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung là bệnh phụ khoa khá phổ biến ở nữ giới và hiện nay khá nhiều người mắc phải. Đây là tình trạng nội mạc tử cung phát triển ở ngoài buồng tử cung và một số vị trí ở trong vùng chậu. Những lớp niêm mạc này sẽ bong ra ở trong kì kinh nguyệt và được tái tạo lại sau khi chu kì này kết thúc. Bệnh xảy ra khi các mảng niêm mạc không đi ra ngoài theo máu kinh mà ở lại trong tử cung hay đi ngược lại lên buồng trứng, gây viêm nhiễm và đau đớn.
Bệnh thường phát triển một cách âm thầm và hầu như không có dấu hiệu rõ rệt. Do đó, đa số các trường hợp được phát hiện khi đã phát triển đến giai đoạn nặng. Một số biểu hiện có thể gặp như là đau vùng chậu, đau bụng nhiều vào mỗi kỳ kinh, khó chịu khi quan hệ,… Tuy nhiên, những biểu hiện này vẫn chưa rõ ràng để kết luận thành bệnh.
Theo số liệu thống kê trên toàn thế giới có khoảng 6 đến 10% nữ giới mắc bệnh, nhưng trên thực tế con số này có thể cao hơn do người bệnh không biết mình đang mắc phải, không đi thăm khám. Nếu không được phát hiện sớm, có hướng điều trị kịp thời có thể gây ung thư hay vô sinh.
2. Nguyên nhân
- Kinh nguyệt chảy ngược: Đây được xem là nguyên nhân chính gây ra bệnh. Mô kinh nguyệt chảy ngược qua ống dẫn trứng và lắng đọng trên các cơ quan vùng chậu, sau đó sinh sôi và phát triển.
- Biến đổi tế bào phúc mạc và tế bào phôi : Đây là hiện tượng mà các chuyên gia cho rằng có một loại hormone nào đó hay do yếu tố miễn dịch thúc đẩy, dẫn đến các tế bào của màng phúc mạc biến đổi thành tế bào nội mạc tử cung.
- Yếu tố di truyền: Vì bệnh có tính chất gia đình nên bệnh có khả năng di truyền qua gen.
- Các vấn đề về hệ thống miễn dịch: Hệ miễn dịch bị lỗi sẽ không nhận ra và phá hủy các mô nội mạc tử cung phát triển bên ngoài tử cung.
- Nội tiết tố: Nồng độ hormone estrogen trong cơ thể tăng cao được cho là nguyên nhân gây ra tình trạng lạc nội mạc tử cung.
- Phẫu thuật: Một số thủ thuật vùng bụng, chẳng hạn như mổ lấy thai hoặc cắt bỏ tử cung dễ khiến các mô nội mạc tử cung hình thành và phát triển.
3. Các triệu chứng của bệnh
– Triệu chứng đầu tiên khi mắc bệnh là có cảm giác đau tại vùng chậu và hay xuất hiện khi bước đầu vào chu kỳ kinh. Mức độ đau sẽ ngày càng tăng cao. Ngoài ra còn có thể gặp một số triệu chứng như:
- Đau trong quá trình quan hệ là biểu hiện tương đối phổ khi mắc bệnh.
- Xuất hiện cảm giác đau khi đi tiểu hay khi di chuyển. Khi đi vệ sinh xuất hiện máu trong nước tiểu hay phân.
- Trong giai đoạn hành kinh hay trong giữa chu kỳ hành kinh có hiện tượng chảy máu nhiều. Thời gian hành kinh kéo dài hơn.
- Ngoài ra còn xuất hiện một số các triệu chứng khác như: tiêu chảy, đầy hơi, táo bón, mệt mỏi, buồn nôn,… Đặc biệt những triệu chứng này sẽ càng rõ ràng khi vào chu kỳ kinh.
– Tuy nhiên lạc nội mạc tử cung có thể bị nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác nhau vì nó không có một triệu chứng đặc thù nào. Do đó bạn nên đi khám để có những chẩn đoán chính xác nhất.
– Như đã nói, lạc nội mạc tử cung không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nếu không được phát hiện sớm hay điều trị kịp thời sẽ để lại những biến chứng vô cùng nặng nề. Đặc biệt ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống cũng như sức khỏe sinh sản của người bệnh:
- Bệnh gây nên những cơn đau dữ dội vào mỗi chu kỳ kinh và đồng thời làm rối loạn kinh nguyệt của người bệnh.
- Là một trong những nguyên nhân dẫn đến viêm âm đạo, viêm cổ tử cung, viêm vùng chậu,…
- Gây vô sinh.
- Có thể trở thành ung thư khi bệnh không được điều trị.
- Khi nội mạc đi lạc quá nhiều và tích tụ bên trong cơ thể mà không thoát được ra ngoài, sẽ có thể đi vào các cơ quan khác như buồng trứng, bàng quang,… dẫn đến những hậu quả khó đoán trước.
4. Cách điều trị
Phác đồ điều trị còn phụ thuộc vào từng trường hợp bệnh cụ thể, diễn biến của bệnh và đặc biệt là nguyện vọng của người mắc phải. Nhưng mục đích chính của quá trình điều trị này là chữa lành những tổn thương ở tử cung, giảm đau, điều trị vô sinh hiếm muộn. Phương pháp được sử dụng phổ biến nhất là sử dụng thuốc hay giải phẫu.
- Sử dụng thuốc: Khi sử dụng phương pháp này, bác sĩ sẽ kê đơn dùng 2 loại thuốc chính là giảm đau và điều chỉnh hormone. Khi sử dụng đơn thuốc này bệnh nhân sẽ dần giảm bớt được các cơn đau do bệnh gây ra. Tuy nhiên, các loại thuốc này có thể dẫn tới một số các phản ứng phụ như tức ngực, tăng cân, buồn nôn,…
- Phẫu thuật: Phương pháp này sẽ được thực hiện khi bệnh nhân đã sử dụng thuốc trong khoảng 3 tháng nhưng không có tiến triển tốt. Phương pháp giúp điều trị dứt điểm và tăng cao khả năng thụ thai đối với người bệnh. Bác sĩ có thể thực hiện nội soi hay mổ hở tùy vào những trường hợp khác nhau.
5. Phòng bệnh
Bạn không thể ngăn ngừa lạc nội mạc tử cung tìm đến mình. Thế nhưng, bạn có thể giảm nguy cơ phát triển bệnh bằng cách giảm nồng độ hormone estrogen trong cơ thể bằng cách:
- Nhờ bác sĩ tư vấn về các phương pháp ngừa thai bằng nội tiết tố, chẳng hạn như thuốc viên, miếng dán hoặc vòng tránh thai nội tiết.
- Tập thể dục thường xuyên (tối thiểu 4 giờ/tuần) để duy trì tỷ lệ phần trăm chất béo trong cơ thể thấp. Kết hợp tập thể dục và giảm lượng chất béo sẽ giúp giảm nồng độ estrogen trong cơ thể.
- Tránh uống nhiều rượu: Các nghiên cứu đã chứng minh rượu làm tăng nồng độ estrogen. Do đó, bạn không nên uống nhiều hơn 1 ly mỗi ngày.
- Hạn chế thức uống chứa caffeine: Không dung nạp nhiều hơn một loại đồ uống có chứa caffeine mỗi ngày, đặc biệt là soda và trà xanh, có thể làm tăng nồng độ estrogen.