1. Đại cương
Trầm cảm sau sinh (PPD) là tình trạng người phụ nữ bị rối loạn cảm xúc, thay đổi về thể chất và tâm lý, hành vi sau khi sinh con. Họ thường có suy nghĩ tiêu cực, mệt mỏi, cáu gắt, buồn chán, lo lắng nhiều vấn đề trong cuộc sống.
Rối loạn này dễ gặp ở bất kỳ người mẹ nào, nhưng chiếm tỷ lệ cao nhất ở phụ nữ lần đầu sinh con và bệnh thường phát triển trong vòng 1 năm đầu sau sinh.
Trầm cảm có thể ở mức nhẹ, vừa hoặc nặng, có thể tự khỏi, nhưng cũng có nhiều trường hợp nặng không can thiệp điều trị kịp thời dẫn đến người mẹ mất tự chủ, xuất hiện hành động tự hủy hoại bản thân, thậm chí chọn cách kết thúc sinh mệnh cả mẹ và con.
2. Nguyên nhân
– Hiện khoa học vẫn chưa kết luận được nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh. Tuy nhiên, có thể kết luận một số nhóm nguyên nhân thường gặp là:
- Thay đổi nội tiết tố: Khi phụ nữ mang thai nồng độ nội tiết tố nữ estrogen và progesterone tăng cao. Sau khi sinh con, nồng độ hormone nhanh chóng sụt giảm xuống mức bình thường. Các nghiên cứu chỉ ra, sự thay đổi đột ngột này có thể dẫn đến trầm cảm cho phụ nữ mang thai và sau sinh.
- Tiền sử rối loạn tâm lý: Rối loạn tâm lý, trầm cảm có thể tái phát vì thế đối với phụ nữ từng có có tiền sử trầm cảm trước hoặc trong khi mang thai thì sẽ có nguy cơ cao trầm cảm sau sinh.
- Sức khỏe giảm sút: Những phụ nữ sau sinh có thể trạng yếu, bị đau trong quá trình sinh nở thường tác động đến tâm trạng của người phụ nữ. Cơn đau kéo dài, cộng với việc chăm vất vả, nảy sinh tâm lý bực bội, cáu gắt, gia tăng cảm giác chán ghét bản thân và cả em bé.
- Yếu tố kinh tế, đời sống: Các yếu tố kinh tế, đời sống ảnh hưởng đến tâm lý phụ nữ sau sinh. Điều kiện kinh tế khó khăn, hoàn cảnh sống chật chội đông đúc, thiếu quan tâm chia sẻ từ chồng và người thân, áp lực với các hủ tục sau sinh, mâu thuẫn trong các quan niệm chăm nuôi con nhỏ giữa các thế hệ sẽ làm gia tăng cảm xúc tiêu cực dẫn đến trầm cảm.
– Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ khiến phụ nữ sau sinh bị trầm cảm bao gồm:
- Tuổi tác tại thời điểm mang thai (Tuổi càng trẻ, tỷ lệ trầm cảm càng cao).
- Mâu thuẫn về việc mang thai.
- Tiền sử gia đình có người bị rối loạn tâm thần.
- Trải qua một sự kiện cực kỳ căng thẳng, như mất việc làm hoặc khủng hoảng sức khỏe.
- Trẻ sinh ra yếu ớt, dễ bệnh, hoặc phát hiện dị tật, gặp nhiều vấn đề sức khỏe.
- Phụ nữ sinh đôi, hoặc sinh ba, hoặc có nhiều con rồi sinh thêm.
- Sống một mình, không nhận được sự giúp đỡ.
- Xung đột hôn nhân sau khi sinh con, bạo lực gia đình.
- Thiếu ngủ vì thức đêm chăm con dài ngày.
- Lo lắng, hoài nghi về khả năng nuôi con của bản thân.
- Lo ngại về ngoại hình, tăng cân mất kiểm soát hoặc sụt cân sau sinh…
3. Triệu chứng
Phụ nữ bị trầm cảm sau sinh rất khó nhận biết, cho đến khi họ có biểu hiện hành động, cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng sức khỏe bản thân. Những dấu hiệu khởi phát trầm cảm như sau:
- Thay đổi cảm xúc, tâm trạng, chán nản, bồn chồn, ủ rũ.
- Khóc nhiều.
- Ít nói chuyện, xa lánh gia đình và bạn bè.
- Chán ăn hoặc ăn nhiều hơn bình thường.
- Mất ngủ triền miên hoặc ngủ quá nhiều.
- Mệt mỏi quá mức.
- Suy nghĩ, hành động, phản ứng chậm hoặc lặp lại.
- Không có hứng thú hay niềm vui với các hoạt động xung quanh ngay cả khi thường ngày yêu thích.
- Dễ cáu gắt, khó chịu và tức giận.
- Tâm trạng lo âu mình không phải là một người mẹ tốt.
- Không có hứng thú với em bé hoặc cảm thấy em bé dường như không phải là con của mình.
- Giảm trí nhớ, giảm khả năng suy nghĩ tập trung hoặc đưa ra quyết định.
- Suy nghĩ làm hại bản thân hoặc em bé.
- Suy nghĩ thường xuyên về cái chết hoặc tự tử…
4. Phân loại
Trầm cảm sau sinh trải qua các quá trình và mức độ khác nhau. Nhẹ nhất là trạng thái khóc lóc và ủ rũ (Hội chứng baby blues), hội chứng trầm cảm sau sinh và cuối cùng là rối loạn tâm thần sau sinh:
4.1. Baby blues
Có tới 30-80% bà mẹ mới sinh mắc hội chứng baby blues trong một thời gian ngắn khi em bé chào đời.
Người mẹ có biểu hiện lo lắng, khóc, mất ngủ, mệt mỏi, ủ rũ và buồn bã kéo dài từ 3-10 ngày sau khi sinh con và kết thúc trong vòng hai tuần. Nếu kéo dài hơn, thì có thể chuyển sang mắc hội chứng trầm cảm sau sinh.
4.2. Hội chứng trầm cảm sau sinh
Có khoảng 10% bà mẹ sinh con có hội chứng này.
Thường xuất hiện sau 3 tuần đầu sau sinh, có xu hướng kéo dài.
Các dấu hiệu nhận biết như: Hay khóc, sự thiếu tập trung, khó khăn trong việc đưa ra các quyết định, thiếu tự tin, chán ghét bản thân, có ý nghĩ tự tử.
4.3. Rối loạn tâm thần sau sinh
Hội chứng rối loạn tâm thần sau sinh thường xảy ra ở nhóm sản phụ có tiền sử hoặc người thân trong gia đình có rối loạn cảm xúc lưỡng cực hoặc bệnh tâm thần phân liệt.
Rối loạn sẽ bắt đầu trong vòng 2 tuần đầu tiên sau khi sinh và chiếm tỷ lệ cao nhất ở 1-3 tháng tiếp theo.
Sản phụ sẽ có các dấu hiệu như dễ kích động, lú lẫn, giảm trí nhớ, cáu gắt, mất ngủ và lo lắng, kéo dài có thể dẫn đến hoang tưởng, ảo giác, tự tử.
5. Phương pháp điều trị
Trầm cảm sau sinh có thể tự khỏi hoặc điều trị thành công bằng cách dùng thuốc kết hợp với tâm lý trị liệu, kèm theo chế độ ăn uống nghỉ ngơi, vận động phù hợp.
– Tâm lý trị liệu:
- Nói chuyện với bác sĩ tâm lý sẽ giúp phụ nữ sau sinh suy nghĩ, thay đổi cảm xúc bản thân.
- Ngoài ra phụ nữ sau sinh có thể tham gia hội nhóm để hỗ trợ cùng nhau vượt qua trầm cảm.
- Trong một số trường hợp trầm cảm sau sinh nặng hoặc rối loạn tâm thần sau sinh, có thể cần phải nhập viện.
– Dùng thuốc:
- Thuốc an thần.
- Thuốc chống trầm cảm.
- Thời gian điều trị trầm cảm có thể kéo dài từ 1- 6 tháng hoặc hơn, tùy thuộc vào mức độ bệnh. Ngoài ra đối với những người đã có một giai đoạn trầm cảm từ trước khi mang thai hoặc sinh con bác sĩ có thể kê đơn thuốc phòng ngừa trầm cảm sau sinh ngay sau khi em bé chào đời.
6. Phòng tránh trầm cảm sau sinh
– Người mẹ có tiền sử từng mắc bệnh tâm lý sẽ có nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh cao. Do đó phụ nữ từng có tiền sử mắc các bệnh tâm lý cần báo với bác sĩ. Bác sĩ sẽ có kế hoạch dự phòng tái phát trầm cảm trong quá trình mang thai, sinh con.
– Đối với các mẹ sinh con đầu lòng nên đến các lớp học tiền sản và kết bạn với những phụ nữ mang thai khác hoặc những người mới làm cha mẹ để chia sẻ kiến thức, tinh thần chuẩn bị đón con.
– Yêu cầu giúp đỡ từ chồng, người thân trong việc cùng chăm sóc một đứa trẻ, ưu tiên cho mẹ có thời gian ngủ, nghỉ.
– Không quá áp lực việc chăm con. Thay vì lo lắng, các bà mẹ cần mạnh mẽ, dần hoàn thiện kỹ năng chăm con, tăng cường đi dạo, ăn uống hợp lý, nói chuyện trao đổi với bác sĩ nếu gặp khó khăn trong việc chăm con. Đồng thời, tăng cường trao đổi với bạn bè, gia đình để tránh bị căng thẳng.
– Dành thời gian cho bản thân. Mặc quần áo đẹp, ra khỏi nhà và ghé thăm một người bạn hoặc làm một vài việc vặt. Hãy dành thời gian ở một mình với người bạn đời.
– Bàn bạc với chồng, gia đình và bạn bè về các cảm xúc của bạn. Hỏi các bà mẹ khác về những trải nghiệm của họ. Phá vỡ sự cô lập để giúp bạn cảm thấy hòa mình trở lại với cuộc sống.