Theo Y học cổ truyền tạng thận thuộc hành Thủy, là gốc của tiên thiên, tàng giữ âm tinh nên được coi là gốc của các tạng. Một tên gọi khác là “Mệnh môn tướng hỏa” – trung tâm của tạng phủ. Thận tàng tinh chủ về sinh dục và phát dục, là rễ cho cơ thể sinh trưởng phát triển. Do vậy khi tạng thận bị bệnh cũng có nghĩa cơ thể đang cảnh báo nguy hiểm về sức khỏe. Chứng thận dương hư có thể xuất hiện trong nhiều loại bệnh tật, biểu hiện lâm sàng cũng không hoàn toàn có đặc điểm nhất định, cần điều trị cá nhân hóa để đạt hiệu quả tốt nhất. Hiện nay, người bệnh mắc chứng thận dương hư ngày càng trẻ hóa và có thể mắc ở cả hai giới nam và nữ. Dưới đây là những thông tin chi tiết về chứng thận dương hư theo Y học cổ truyền.
1. Khái niệm chứng thận dương hư theo y học cổ truyền
Trong tạng thận có thận âm và thận dương. Nếu thận âm chủ về vật chất, chủ về nuôi dưỡng, sinh tinh huyết đưa đến nuôi dưỡng tạng phủ khác thì thận dương chủ về khí hóa, sưởi ấm, điều hòa các tạng phủ hoạt động. Do vậy khi Thận dương hư suy thì khí nguyên dương của cơ thể suy yếu, mất chức nặng khí hóa, sưởi ấm, làm cho công tạng tạng phủ suy giảm.
Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là sợ lạnh, sắc mặt trắng bệch, lưng gối mỏi và lạnh, tiểu tiện trong lượng nhiều hoặc són đái, phù thũng từ lưng trở xuống nặng hơn, xuất tinh sớm, giảm ham muốn, chức năng tình dục kém. Ở phụ nữ thì khí hư trong và lạnh, tử cung lạnh khó thụ thai….
2. Nguyên nhân gây nên chứng thận dương hư
Phần nhiều chứng thận dương hư xuất hiện do các nguyên nhân sau đây:
- Tuổi cao thận khí suy giảm: Đây là một trong những nguyên nhân đầu tiên dẫn đến mắc chứng thận dương hư. Bắt đầu từ năm 25 tuổi cơ thể đã có những cơ quan bắt đầu lão hóa, tuổi càng cao tốc độ lão hóa càng nhanh và các cơ quan trong cơ thể cũng suy giảm nhiều hơn đặc biệt là tạng thận.
- Tình dục quá độ: Với người bệnh ham muốn dục vọng vô độ làm thận khí hao hư, rối loạn nuôi dưỡng, khí huyết không đưa đến phần sinh dục ngoài gây khó cương cứng, liệt dương.
- Bệnh ốm lâu ngày: Với những người bệnh ốm lâu ngày không khỏi, nguyên dương cơ thể bị suy giảm, ăn uống không điều độ, cơ thể mệt mỏi quá độ, thận dương hoạt động quá nhiều dẫn đến chức năng tạng suy giảm nên tinh thần chậm chạp, sắc mặt không tươi….
3. Triệu chứng cụ thể khi mắc chứng thận dương hư
Có nhiều loại tật bệnh xuất hiện chứng thận dương hư, biểu hiện triệu chứng và mức độ bệnh khác nhau nên cần chẩn đoán chính xác để có phương thuốc điều trị tối ưu.
Bệnh Thủy thũng
Phân tích: từ thắt lưng trở xuống là do thận khí làm chủ. Thận khí hư suy làm dương không hóa khí, thủy thấp tụ ở phía dưới gây nên phù nặng từ thắt lưng trở xuống, ấn lõm da, số lượng nước tiểu giảm hoặc lại thấy tăng lên, hồi hộp, hụt hơi, lưng lạnh đau kèm theo thấy lạnh chân và tay, sắc mặt sáng bóng hoặc ám tối, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng.
Bệnh Di tinh
Đây là hậu quả gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống nhiều nhất với nam giới.
Phân tích: Di tinh lâu ngày không khỏi làm hạ nguyên hư hao, tinh quan bất cố, rối loạn tàng trữ gây hoạt tinh. Khí hư ảnh hưởng đến dương, mệnh môn hỏa suy không ôn dưỡng cơ thể gây tinh thần uể oải, người lạnh, chân và tay lạnh, liệt dương, xuất tinh sớm, tinh lạnh, tiểu đêm nhiều, sắc mặt trắng, rêu lưỡi trắng trơn.
Bệnh Dương nuy
Phân tích: Nguyên nhân bệnh sinh chủ yếu do mệnh môn hỏa suy, tinh khí hư lạnh, phần sinh dục ngoài không được nuôi dưỡng gây nên liệt dương, hoặc cương nhưng không cứng, tinh dịch loãng và lạnh, kèm theo thấy mệt mỏi, sợ lạnh, chân và tay lạnh, chóng mặt, ù tai, đau lưng, tiểu đêm, nước tiểu trong và số lượng nhiều, chất lưỡi nhợt bệu, rêu lưỡi trắng mỏng.
4. Bài thuốc điều trị chứng thận dương hư
Với mỗi bệnh cụ thể và mức độ bệnh cụ thể trên từng bệnh nhân thầy thuốc chẩn đoán và ra đơn điều trị phù hợp. Bạn đọc có thể tham khảo một số bài thuốc dưới đây:
Bát vị hoàn
Thục địa 32g
Sơn thù 16g
Bạch linh 12g
Sơn dược 16g
Trạch tả 12g
Đơn bì 12g
Phụ tử chế 4g
Quế nhục 4g
Tả quy hoàn
Thục địa 12g
Kỷ tử 10g
Lộc giác giao 10g
Bạch linh 10g
Hoài sơn 12g
Ngưu tất 12g
Quy bản 15g
Sơn thù 10g
Thỏ ty tử 12g
Trạch tả 12g
Ôn tỳ thang phối Ngô thù du thang
Đại hoàng 10g
Phụ tử chế 6g
Nhân sâm 5g
Ngô thù du 5g
Cam thảo 10g
Can khương 6g
Đại táo 12g
Tán dục hoàn
Ba kích 12g
Cửu tử 6g
Kỷ tử 10g
Quế nhục 6g
Thục địa 12g
Đương quy 12g
Dâm dương hoắc 10g
Sơn thù 10g