Tổng quan
Sau một ngày dài hoạt động, cơ thể chúng ta cần được nghỉ ngơi để lấy lại tinh thần và thể chất. Giấc ngủ đóng vai trò vô cùng quan trọng vào việc này. Theo thống kê, bệnh mất ngủ đang ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hoá với tỷ lệ khoảng 25% người bị mất ngủ từ 18 đến 30 tuổi. Mất ngủ không phân biệt tuổi tác, giới tính hay nghề nghiệp. Bất cứ ai cũng có thể mắc phải căn bệnh này.
1. Khái niệm
Mất ngủ là tình trạng rối loạn giấc ngủ cả về thời lượng (thiếu ngủ, ngủ không đủ giấc) và chất lượng (khó ngủ, tỉnh dậy nhiều lần, giấc ngủ không sâu, hay mơ màng) giấc ngủ. Người bệnh có thể ngủ ít, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều. Tuy nhiên, các trường hợp ngủ ít hoặc mất ngủ sẽ thường xuyên gặp hơn. Điều này làm cho bệnh nhân mệt mỏi, uể oải, ngủ gà ngủ gật vào ban ngày. Và rối loạn giấc ngủ ảnh hưởng rất lớn đếm chất lượng cuộc sống của mỗi người.
2. Nguyên nhân gây ra mất ngủ
Nguyên nhân đầu tiên và chiếm tỷ lệ cao đó là stress, đó chính là sự căng thẳng, lo âu xuất phát từ cuộc sống hàng ngày, từ gia đình, công việc, tài chính, tình cảm, áp lực về tâm lí, xã hội làm cho mỗi người luôn có những mưu cầu, khát vọng cao. Nó vô hình tạo thành một rào cản đẩy stress lên cao, dẫn tới khó ngủ.
Thói quen sinh hoạt, làm việc không khoa học: Cùng với thời kỳ phát triển không ngừng của khoa học, công nghệ, việc gia tăng sử dụng các thiết bị công nghệ như internet, máy tính, điện thoại thông minh khiến thói quen ngủ của nhiều người bị thay đổi. Sau một thời gian, việc thường xuyên thức khuya đã làm cho mọi người mất ngủ. Đôi khi do tính chất công việc thường phải làm ca đêm, nhiều người dần bị thiếu ngủ và trở thành bệnh mất ngủ.
Sử dụng các chất kích thích như cà phê, ma tuý, thuốc lá, trà… đều tác động trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương, làm ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Do tác dụng phụ của thuốc như thuốc mê, thuốc lợi tiểu, thuốc chứa steroid, thuốc chẹn beta giao cảm, thuốc ho,… Đồng thời nếu một người đang sử dụng các thuốc gây ngủ hoặc thuốc an thần mà dừng lại đột ngột thì có thể là nguyên nhân gây mất ngủ trở lại.
Người cao tuổi, những người mắc các bệnh lý toàn thân như sa sút trí tuệ, bệnh lý mạch máu não, viêm đường hô hấp, đau xương khớp, tiểu đêm, tim mạch … đều làm giảm chất lượng giấc ngủ.
Ngoài ra, ăn quá no trước khi đi ngủ, không gian sống chật chội, sự ô nhiễm không khí, tiếng ồn từ môi trường xung quanh… cũng là những yếu tố gây mất ngủ.
3. Tác hại của mất ngủ kéo dài
Nếu mất ngủ diễn ra trong một thời gian dài, cơ thể bệnh nhân sẽ mệt mỏi, tâm trạng bồn chồn, bất an kéo dài khiến cho người bệnh có thể sẽ gặp phải những rắc rối và hệ luỵ lớn. Một số người dễ nổi cáu, khó chịu, thậm chí có thể dẫn đến trầm cảm – một căn bệnh đáng lo ngại đối với xã hội ngày nay, đặc biệt là giới trẻ.
Những vụ tai nạn giao thông xảy ra nhiều hơn, nhất là những tuyến xe chạy đường dài đều xuất phát từ nguyên nhân tài xế buồn ngủ hoặc ngủ gục trên xe.
Suy giảm trí nhớ, chất lượng công việc và cuộc sống giảm sút.
Gây nên các vấn đề về tim mạch, béo phì, lão hoá,…
Mất ngủ kéo dài thậm chí còn là nguyên nhân gây tử vong. Nhiều nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng người ngủ ít hơn 5 – 7 tiếng mỗi ngày có nguy cơ tử vong cao gấp đôi so với người ngủ đủ giấc.
Bởi vậy, sự duy trì một lối sống lành mạnh, khoa học, một nhịp sinh học điều độ, học cách thư giãn, rèn luyện thể trạng là điều cần thiết đối với mỗi chúng ta.