1. Khái niệm
Nội tiết tố nữ là hormone quan trọng của người phụ nữ. Trong đó, bộ 3 nội tiết tố Estrogen, Progesterone và Testosterone giữ vai trò quyết định đến mọi đặc điểm hình thể, sắc đẹp, chức năng sinh lý, khả năng sinh sản và sức khỏe phái đẹp, cũng như tăng cường miễn dịch cho cơ thể. Các nội tiết tố này sản sinh dưới sự chỉ đạo của hệ trục vàng Não bộ – Tuyến yên – Buồng trứng và có mối quan hệ mật thiết với nhau.
Esstrogen
Estrogen là nội tiết tố nữ chính trong cơ thể nữ giới. Nó chủ yếu được sản xuất từ buồng trứng và một lượng nhỏ từ tuyến thượng thận và tế bào mỡ. Estrogen còn được sản xuất ở nhau thai trong thời kỳ mang thai. Nó đóng vai trò quan trọng đối với chức năng sinh dục và sinh sản qua các thời kỳ:
- Tuổi dậy thì.
- Kinh nguyệt.
- Thai kỳ.
- Mãn kinh.
Ngoài ra, estrogen còn ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ, hệ tim mạch, tóc, hệ cơ xương, làn da và đường tiết niệu.
Nồng độ estrogen có thể được xác định bằng xét nghiệm máu, phạm vi bình thường được giới hạn như sau:
- Nữ trưởng thành, tiền mãn kinh: 15-350 pg/mL
- Nữ trưởng thành, mãn kinh: < 10 pg/mL
- Nam giới trưởng thành: 10 – 40 pg/mL
Mức độ hormone estrogen sẽ thay đổi rất nhiều trong suốt chu kỳ kinh nguyệt.
Progesterone
Progesterone được sản xuất chủ yếu ở buồng trứng. Ngoài ra, nó còn được sản xuất trong thời kỳ mang thai qua nhau thai. Vai trò của progesterone gồm có:
- Chuẩn bị niêm mạc tử cung cho trứng được thụ tinh di chuyển xuống làm tổ.
- Nâng cao khả năng mang thai.
- Ức chế sản xuất estrogen sau khi rụng trứng.
- Nồng độ progesterone có thể được xác định bằng xét nghiệm máu. Phạm vi bình thường được tính bằng đơn vị nanogram trên mililit (ng/mL):
+ Trước tuổi dậy thì : 0.1 – 0.3 ng/mL
+ Giai đoạn nang trứng của chu kỳ kinh nguyệt : 0.1 – 0.7 ng/mL
+ Giai đoạn hoàng thể của chu kỳ kinh nguyệt : 2 -25 ng/mL
Testosterone
Testosterone được tiết ra ở tuyến thượng thận và buồng trứng. Hormone này đóng vai trò quan trọng trong một số chức năng của cơ thể, bao gồm:
- Ham muốn tình dục.
- Điều hòa chu kỳ kinh nguyệt.
- Sức mạnh của xương và cơ bắp.
- Xét nghiệm máu có thể xác định mức độ testosterone, phạm vi bình thường đối với nữ là 15-70 ng/dL
2. Vai trò của nội tiết tố nữ theo thời gian
- Dậy thì: Độ tuổi dậy thì (từ 8-13 tuổi) đánh dấu bằng sự xuất hiện kinh nguyệt. Khi đó, nội tiết tố nữ được buồng trứng tiết ra làm cơ thể thay đổi (đường cong gợi cảm, vòng ngực nở nang, giọng nói nhẹ nhàng…). Ở giai đoạn này, hoạt động của hệ trục vàng dần hoàn thiện, nhưng chưa ổn định. Vì vậy, buồng trứng sản sinh không đủ hoặc thừa lượng nội tiết tố, gây mất cân bằng hormone.
- Chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên xảy ra khoảng 2 – 3 năm sau khi ngực bắt đầu phát triển, chủ yếu ở độ tuổi từ 10 đến 16.
- Giai đoạn nang trứng: Hàng tháng, tử cung dày lên chuẩn bị cho trứng được thụ tinh. Nếu không được thụ tinh, nồng độ estrogen và progesterone sẽ ở mức thấp làm tử cung bắt đầu bóc tách dẫn đến hành kinh, ngày thứ nhất hành kinh là ngày bắt đầu giai đoạn nang trứng. Ở giai đoạn này, tuyến yên bắt đầu sản xuất thêm FSH để thúc đẩy các nang trứng phát triển. Mỗi nang trứng chứa một quả trứng. Khi nồng độ hormone giới tính giảm xuống, chỉ có một nang duy nhất, chiếm ưu thế được tiếp tục phát triển. Các nang trứng khác bị phá vỡ khi nang này sản xuất nhiều estrogen hơn, kích thích LH tăng lên theo. Giai đoạn nang trứng kéo dài khoảng hai tuần.
- Giai đoạn rụng trứng: Trong giai đoạn rụng trứng, hormone LH làm cho nang trứng vỡ và giải phóng trứng. Giai đoạn này kéo dài khoảng 16 – 32 giờ. Sự thụ tinh chỉ có thể xảy ra trong khoảng 12 giờ sau khi trứng đã rời khỏi buồng trứng.
- Giai đoạn hoàng thể: Giai đoạn hoàng thể bắt đầu sau khi rụng trứng. Các nang vỡ đóng lại và sản xuất progesterone tăng lên giúp tử cung sẵn sàng tiếp nhận trứng được thụ tinh. Nếu điều đó không xảy ra, estrogen và progesterone sẽ giảm trở lại và chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu lại.
- Toàn bộ chu kỳ kinh nguyệt kéo dài khoảng 25 – 36 ngày. Chảy máu kéo dài từ 3 – 7 ngày. Chu kỳ có thể biến động nhiều trong vài năm đầu hoặc trong một số hoàn cảnh khác như sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết tố.
- Ham muốn tình dục và tránh thai: Estrogen, progesterone và testosterone đều có liên quan đến ham muốn tình dục ở nữ giới. Do sự dao động của nội tiết tố, nữ giới thường ở đỉnh điểm của ham muốn tình dục ngay trước khi rụng trứng.
- Ham muốn tình dục cũng chịu sự tác động của nhiều yếu tố khác. Nó có thể giảm xuống khi bạn sử dụng các phương pháp kiểm soát sản sinh nội tiết tố, khi bạn bước vào thời kỳ mãn kinh, phẫu thuật cắt tuyến thượng thận hoặc buồng trứng.
- Mang thai: Khi mang thai, cơ thể phụ nữ có sự tăng sinh của các tuyến nội tiết và sự xuất hiện 2 tuyến nội tiết mới, nhằm giúp cơ thể mẹ thích ứng, nuôi dưỡng và bảo vệ thai nhi một cách tốt nhất, dẫn đến sự thay đổi nội tiết tố đáng kể trong giai đoạn này gây xáo trộn tâm sinh lý các mẹ bầu.
- Sau sinh: Sau khi sinh em bé, mức Progesterone và Estrogen trong cơ thể người mẹ sụt giảm. Theo đó hormone Oxytocin xuất hiện ngay lập tức để bù trừ cho sự sụt giảm trên, đồng thời Prolactin tăng nhanh để kích thích tuyến sữa hoạt động. Quá trình này gây xáo trộn nội tiết tố, kéo theo hàng loạt triệu chứng bất thường ở người phụ nữ (trầm cảm sau sinh là dấu hiệu điển hình).
- Tiền mãn kinh và mãn kinh: Đa phần phụ nữ đối mặt với tuổi tiền mãn kinh ở độ tuổi 45 – 50, triệu chứng tiền mãn kinh có thể kéo dài vài ba năm, nhưng cũng có người kéo dài trong 10 – 15 năm (tùy cơ địa mỗi người), buồng trứng sản xuất hormone Estrogen ít hơn và sụt giảm mạnh. Quá trình mãn kinh thực sự bắt đầu ở độ tuổi 50 – 55, lúc này buồng trứng ngưng hoạt động, ngưng sản sinh nội tiết tố nữ, dẫn đến hàng loạt vấn đề cả về sức khỏe, sắc đẹp và sinh lý đều trở thành “nỗi ám ảnh” với người phụ nữ.
3. Các dấu hiệu rối loạn nội tiết tố nữ
Vấn đề về da
Rối loạn nội tiết tố kèm theo các yếu tố tác động từ môi trường bên ngoài (ánh nắng, khói bụi, ô nhiễm, stress…) là nguyên nhân khiến cấu trúc nền của da bị tổn thương, tăng sản sinh các hắc tố. Khi đó, da thường gặp các triệu chứng:
- Da nổi mụn bất thường.
- Da khô, mỏng, thiếu mịn màng.
- Da nhăn, chùng nhão, chảy xệ, mất đàn hồi.
- Da sạm, xỉn màu.
- Xuất hiện tàn nhang, các vết nám, đồi mồi.
Đời sống sinh lý bất ổn
Khi bộ ba nội tiết tố bị xáo trộn và rối loạn, các chị em phải đối mặt:
- Rối loạn kinh nguyệt: Ngày hành kinh đến sớm hoặc trễ so với chu kỳ bình thường, lượng máu kinh quá nhiều hoặc quá ít, tính chất máu kinh bất thường (vón cục, đổi màu thâm đen hoặc nâu), vô kinh, bế kinh, rong huyết…
- Giảm ham muốn tình dục: Đây là dấu hiệu rối loạn nội tiết tố nữ dễ nhận biết nhất. Phái nữ giảm hứng thú khi quan hệ, khó đạt khoái cảm, dần rơi vào trạng thái lãnh cảm.
- Khô âm đạo: Cảm giác đau rát hoặc bỏng rát âm đạo khi quan hệ.
- Giảm khả năng thụ thai: Theo đó, thiên chức làm mẹ bị ảnh hưởng. Khi tình yêu thiếu sự thăng hoa, khả năng sinh sản giảm sút thì hạnh phúc lứa đôi rất dễ đổ vỡ.
Tâm lý tiêu cực
- Tâm trạng thay đổi thất thường, đôi lúc nhạy cảm quá mức.
- Tính tình nóng nảy, dễ cáu gắt, bốc hỏa.
- Lo âu, buồn chán.
- Nếu người phụ nữ không được giải tỏa tâm lý, trầm cảm là hệ quả tất yếu. Đặc biệt đối với những người có tiền sử tâm lý không ổn định, nguy cơ trầm cảm cao hơn.
Các vấn đề về sức khỏe
Người phụ nữ khi bị rối loạn nội tiết tố nữ thường cảm thấy thiếu sức sống, cơ thể liên tục gặp các vấn đề:
- Đổ mồ hôi đêm.
- Tăng các bệnh lý về tim mạch, tiểu đường, huyết áp (huyết áp cao bất thường).
- Thường xuyên đau nhức xương khớp.
- Suy giảm trí nhớ, đãng trí, làm trước quên sau.
- Rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi, giảm tập trung.
- Đau đầu, căng tức ngực.
- Vòng ngực giảm săn chắc, teo nhỏ, chảy xệ.
- Tích lũy mỡ thừa, tăng cân, béo phì.
4. Nguyên nhân suy giảm nội tiết tố nữ
- Tuổi: Nồng độ estrogen giảm trong thời kỳ mãn kinh. Trong giai đoạn này, estrogen trong cơ thể chuyển từ estradiol (được sản xuất chủ yếu ở buồng trứng) sang estrone (sản xuất chủ yếu ở chất béo trong cơ thể).
- Rối loạn ăn uống: Chán ăn hoặc ăn nhiều khiến hormone trong cơ thể mất cân bằng.
- Do di truyền: Hội chứng Turner (chiều cao thấp, buồng trứng không phát triển, dị tật tim), hội chứng Fragile X (chậm phát triển, thiểu năng trí tuệ, bất thường về thể chất, rối loạn tăng động giảm chú ý hoặc tự kỷ) khiến lượng estrogen thấp.
- Các bệnh tự miễn dịch tấn công buồng trứng ngăn chúng tạo ra đủ estrogen.
- Suy buồng trứng nguyên phát (mãn kinh sớm) buồng trứng ngừng sản xuất trứng trước 40 tuổi khiến mức độ estrogen giảm.
- Phương pháp điều trị ảnh hưởng đến buồng trứng như: điều trị ung thư (xạ trị, hóa trị). Chấn thương sẽ ngăn buồng trứng tiết ra mức estrogen bình thường. Cắt bỏ một hoặc cả 2 buồng trứng cũng khiến lượng estrogen giảm xuống thấp.
- Tuyến yên tiết ra các hormone truyền tín hiệu cho buồng trứng tạo ra estrogen. Nếu tuyến yên không giải phóng đủ các hormone này cơ thể sẽ sản xuất lượng estrogen thấp.
- Vô kinh vùng dưới đồi: Nếu cơ thể căng thẳng (tập thể dục quá mức), không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng sẽ gây vô kinh vùng dưới đồi. Khi vô kinh vùng dưới đồi, não sẽ không giải phóng đủ hormone kích hoạt sản xuất estrogen trong buồng trứng.
- Căng thẳng, stress kéo dài: Căng thẳng kéo dài, rối loạn lo âu, trầm cảm khiến hormone Progesterone trong cơ thể giảm mạnh, kéo theo lượng Estrogen dư thừa, dẫn đến sự mất cân bằng nội tiết tố nữ.
- Độc tố từ thực phẩm: Thịt gia cầm chăn nuôi công nghiệp, thức ăn có chứa phẩm màu, thức ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp chứa nhiều chất phụ gia… có thể làm tăng hàm lượng Estrogen trong cơ thể, gây mất cân bằng nội tiết tố. Ngoài ra, đồ ăn ngọt có thể dẫn đến hội chứng buồng trứng đa nang dễ làm suy giảm nội tiết.
- Ảnh hưởng hóa mỹ phẩm: Hiện có nhiều người đang có xu hướng lạm dụng sản phẩm chăm sóc và làm đẹp (dầu gội, sữa tắm, nước hoa, kem, phấn, son, sản phẩm vẽ mắt, chân mày, lông mi, thuốc nhuộm tóc…). Những hóa chất có trong các sản phẩm này có thể gây rối loạn nội tiết tố, ảnh hưởng nhiều đến sinh lý và khả năng sinh sản.
5. Điều trị lâm sàng
Khi có các dấu hiệu rối loạn nội tiết tố nữ, các chị em cần đến cơ sở y khoa uy tín để tiến hành xét nghiệm, định lượng 7 chỉ số: Testosterone, Estrogen, Progesterone, FSH, AMH, LH và Prolactin. Nếu kết quả xét nghiệm bất thường, bác sĩ sẽ tư vấn và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp, có thể dùng thuốc hoặc không dùng thuốc.
Phụ nữ trong độ tuổi từ 25 đến 50 bị thiếu estrogen thường được kê đơn liều cao estrogen. Điều này có thể làm giảm nguy cơ mất xương, bệnh tim mạch và mất cân bằng nội tiết tố khác. Liều thực tế sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng và phương pháp áp dụng. Estrogen có thể được cung cấp thông qua.
Trong một số trường hợp, điều trị dài hơi có thể cần thiết ngay cả sau khi nồng độ estrogen đã trở lại bình thường. Điều này có thể yêu cầu liều estrogen thấp hơn theo thời gian để duy trì mức hiện tại.
Liệu pháp estrogen
- Liệu pháp estrogen cũng có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng mãn kinh và giảm nguy cơ gãy xương.
- Liệu pháp estrogen dài hạn chủ yếu được khuyên dùng cho những phụ nữ sắp mãn kinh và cũng đã được cắt bỏ tử cung.
- Trong tất cả các trường hợp khác, liệu pháp estrogen chỉ được khuyến cáo trong một đến hai năm do liệu pháp estrogen có thể làm tăng nguy cơ ung thư.
Liệu pháp thay thế hormone (HRT)
- HRT được sử dụng để làm tăng mức độ hormone tự nhiên của cơ thể bạn. Bác sĩ có thể đề nghị HRT nếu bạn sắp đến tuổi mãn kinh. Mãn kinh khiến nồng độ estrogen và progesterone giảm đáng kể. HRT có thể giúp đưa các mức này trở lại bình thường.
- Phương pháp điều trị HRT có thể được điều chỉnh về liều lượng, thời gian và sự kết hợp của các hormone. Ví dụ, tùy thuộc vào chẩn đoán, progesterone thường được sử dụng kết hợp với estrogen.
- Phụ nữ đến tuổi mãn kinh trải qua HRT có thể tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Việc điều trị cũng đã được chứng minh là làm tăng nguy cơ đông máu, đột quỵ và ung thư vú
Hỗ trợ cải thiện rối loạn nội tiết nữ không dùng thuốc
- Ăn uống hợp lý, giàu dinh dưỡng : Uống đủ nước mỗi ngày (nước lọc, nước ép rau quả tươi, trà thảo mộc), bổ sung thêm các loại thực phẩm làm tăng nội tiết tố nữ (cà rốt, khoai tây, tỏi, rau bina, rau diếp, bông cải xanh, bắp cải, chanh, đậu hũ, bí ngô, chuối, mè đen, nấm, đậu đen,..), ăn ít nhất hai bữa cá trong tuần, hạn chế thức ăn nhanh, tránh thực phẩm chứa nhiều đường.
- Chế độ sống khoa học: Giảm căng thẳng, tập thể dục thường xuyên (yoga, thiền nhẹ nhàng), ngủ đủ giấc (ít nhất 8 giờ/ngày).