1. Tăng huyết áp là gì?
Tăng huyết áp hay cao huyết áp là bệnh lý mạn tính, tình trạng này được xác định khi huyết áp đo tại phòng khám lớn hơn hoặc bằng 140/90 mmHg – Theo khuyến cáo của Hội Tim mạch học Quốc gia về chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp. Tiền tăng huyết áp khi nằm trong khoảng 120-139/80-89 mmHg và mức huyết áp bình thường khi < 120/80 mmHg
2. Nguyên nhân gây tăng huyết áp là gì?
Đa phần bệnh thường gặp ở người lớn tuổi không có nguyên nhân (tăng huyết áp vô căn hay nguyên phát); khoảng 10% tình trạng có nguyên nhân ( gọi là tăng huyết áp thứ phát)
– Tăng huyết áp nguyên phát (vô căn). Chiếm 90%
- Bệnh có tính gia đình, đặc biệt khi lớn tuổi hoặc có bệnh đái tháo đường.
- Các yếu tố dễ đưa đến mắc bệnh cao huyết áp như thói quen ăn mặn (nhiều muối), hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều, dư cân hoặc béo phì, ít vận động thể lực, có nhiều căng thẳng, áp lực trong cuộc sống.
– Tăng huyết áp thứ phát: Khi xác định có một nguyên nhân trực tiếp thì gọi là tăng huyết áp thứ phát (khoảng 10%) nhưng nếu điều trị theo đúng nguyên nhân thì bệnh có thể chữa khỏi. Các nguyên nhân thường gặp là:
- Bệnh lý thận là nguyên nhân thường gặp nhất (Ví dụ: viêm cầu thận, hội chứng thận hư, suy thận mãn, hẹp động mạch thận…)
- Bệnh lý tuyến thượng thận, là một tuyến nội tiết nằm ngay phía trên thận mỗi bên, tiết ra các hormone điều hòa muối – nước và huyết áp của cơ thể. Nếu u của tuyến này tiết bất thường các hormon sẽ làm huyết áp tăng. Điều trị cắt bỏ khối u có thể chữa khỏi bệnh huyết áp cao, không cần uống thuốc lâu dài hoặc lượng thuốc uống ít lại.
- Một số bệnh lý nội tiết khác cũng khiến huyết áp tăng như cường giáp, suy giáp, bệnh Cushing,…
- Một số loại thuốc khi uống như corticoides (điều trị bệnh viêm khớp, bệnh Lupus, hen suyễn, dị ứng,..), thuốc kháng viêm, giảm đau, hormon thay thế hoặc thuốc tránh thai,…
- Hội chứng ngưng thở khi ngủ.
- Tăng huyết áp ở trẻ em hoặc người trẻ cần phải loại trừ bệnh tim bẩm sinh do hẹp eo động mạch chủ. Khi đó huyết áp ở hai tay rất cao, trong khi huyết áp ở chân thì thấp hoặc không đo được. Điều trị bệnh này bằng phẫu thuật hoặc nong đặt stent trong lòng động mạch chủ đoạn bị hẹp
3. Triệu chứng của người bị tăng huyết áp
Người bệnh hay có biểu hiện như: Nhức đầu, nặng đầu,mỏi gáy, chóng mặt, nóng phừng mặt…
- Nhức đầu, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn là những triệu chứng thường gặp khi huyết áp tăng cao
- Tuy nhiên, có khoảng 1/3 trường hợp người bệnh không có dấu hiệu gì, chỉ phát hiện bệnh khi đo huyết áp tình cờ hay khám sức khỏe tổng quát hoặc khi đã có biến chứng như: nhồi máu cơ tim, đột quỵ hay suy thận mạn giai đoạn cuối.
- Do đó, các chuyên gia khuyến cáo người lớn từ 50 tuổi trở lên cần khám tổng quát và kiểm tra huyết áp định kỳ vì huyết áp có xu hướng tăng dần theo ttuổi.
4. Các biến chứng của tăng huyết áp thường gặp
- Biến chứng ở tim: nhồi máu cơ tim, suy tim, suy tim mất bù, rung nhĩ,…
- Biến chứng ở não: nhồi máu não, xuất huyết não, suy giảm trí nhớ,..
- Biến chứng ở thận: suy thận ở nhiều mức độ khác nhau, nặng nhất là diễn tiến đến suy thận mạn giai đoạn cuối phải điều trị thay thế thận (ghép thận hoặc chạy thận định kỳ)
- Biến đổi mạch máu ở đáy mắt do huyết áp cao, có thể gây xuất huyết, phù nề mạch máu võng mạc, nghiêm trọng hơn là gây mù
- Bệnh động mạch ngoại biên hai chân: do xơ vữa mạch máu gây hẹp hoặc tắc mạch máu nhỏ ở hai chân, gây đau chân khi đi lại, nặng hơn là loét, hoại tử phải cắt chi gây tàn phế
- Rối loạn cương dương: thường gặp, đặc biệt nếu có kèm đái tháo đường, hút thuốc lá
5. Phương pháp chẩn đoán bệnh
Để chẩn đoán tăng huyết áp chỉ có cách duy nhất là đo huyết áp. Hiện nay, có 3 cách đo huyết áp để chẩn đoán bệnh gồm:
- Đo huyết áp tại phòng khám: HA ≥ 140/90 mmHg
- Đo huyết áp tại nhà: HA ≥ 135/85 mmHg
- Máy theo dõi huyết áp liên tục 24 giờ (máy Holter huyết áp): HA ≥ 130/80 mmHg
ĐO HUYẾT ÁP ĐÚNG CÁCH NHƯ THẾ NÀO?
- Ngồi nghỉ 15 phút trước khi đo.
- Không hút thuốc lá, uống cafe 2 giờ trước khi đo.
- Tư thế đo: nằm trên giường hoặc ngồi dựa lưng vào ghế, hai chân chạm sàn nhà, không bắt chéo chân, tay duỗi thẳng, đặt ngang tim, giữ im lặng trong lúc đo.
- Lần đầu tiên đo huyết áp cả hai tay, tay có mức huyết áp cao hơn được chọn để đo và theo dõi huyết áp những lần sau.
- Mỗi lần đo 2 lượt, cùng một tay, mỗi lượt đo cách nhau 2 phút. Nếu huyết áp tâm thu ở 2 lần đo khác biệt > 10 mmHg, đo thêm lần thứ 3 sau 2 phút nữa. Lấy huyết áp trung bình của 2 lần đo gần nhất.
- Dùng máy đo tự động, loại có băng quấn cánh tay có kích thước phù hợp.
- Người bệnh có thể đo huyết áp buổi sáng hoặc buổi chiều, hoặc khi có triệu chứng gợi ý tăng huyết áp kể trên.
6. Bệnh nhân tăng huyết áp cần làm các xét nghiệm gì?
Đối với người bệnh tăng huyết áp cần làm 2 nhóm xét nghiệm sau:
– Xét nghiệm tìm nguyên nhân khiến cho huyết áp tăng cao. Ví dụ: hẹp động mạch thận, u tuyến thượng thận, hẹp eo động mạch chủ,…
- Xét nghiệm đánh giá ảnh hưởng của huyết áp lên các cơ quan trong cơ thể như tim, mạch máu, não, thận và mắt.
- Xét nghiệm tìm nguyên nhân tăng huyết áp
+ Siêu âm bụng tổng quát: tìm bệnh lý thận, tuyến thượng thận
+ Siêu âm động mạch thận: tìm hẹp động mạch thận
+ Siêu âm động mạch chủ: tìm bệnh hẹp eo động mạch chủ
- Xét nghiệm chức năng thận (creatinine máu, albumin niệu, tổng phân tích nước tiểu), hormone tuyến thượng thận (aldosterone máu, renin huyết tương, metanephrine máu, niệu), tuyến giáp (TSH), tuyến yên (cortisol máu, ACTH),…
- Chụp CT hoặc MRI bụng tìm u tuyến thượng thận
- Đa ký giấc ngủ: tìm bệnh ngưng thở khi ngủ
– Xét nghiệm thường quy đánh giá ảnh hưởng của huyết áp lên các cơ quan trong cơ thể
- Đo điện tim: phát hiện dày giãn buồng tim, rối loạn nhịp hoặc thiếu máu cơ tim;
- Siêu âm tim: đánh giá chức năng tim, dày giãn buồng tim, hở van tim;
- Xét nghiệm máu: công thức máu, đường huyết đói, HbA1c, chức năng thận, điện giải đồ, acid uric máu, chức năng tuyến giáp (TSH), mỡ máu, men gan;
- Tổng phân tích nước tiểu, tỷ lệ microalbumin/creatinine niệu: đánh giá ảnh hưởng của huyết áp lên chức năng thận như gây tiểu đạm ở các mức độ khác nhau. Ngoài ra, tổng phân tích nước tiểu còn giúp phát hiện bệnh lý cầu thận, ống thận, nhiễm trùng tiểu hay đái tháo đường đi kèm;
- Đo vận tốc sóng mạch nhằm đánh giá độ cứng của mạch máu;
- Đo chỉ số huyết áp cổ chân/cánh tay (ABI): để tìm bệnh hẹp hoặc tắc động mạch ngoại biên ở 2 chân;
- Chụp võng mạc: phát hiện tổn thương mạch máu đáy mắt do huyết áp cao lâu ngày
7. Cách phòng ngừa tăng huyết áp
- Giảm ăn mặn, chỉ tiêu thụ một lượng muối ít hơn 5g/ngày (tương đương 1 muỗng cà phê). Lưu ý hàm lượng muối trong bột nêm, bột canh, nước mắm, các gia vị khác, cũng như các món ăn vặt, snack…
- Ăn nhiều rau củ quả, trái cây tươi; không ăn thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa.
- Tăng cường hoạt động thể chất.
- Không hút thuốc lá.
- Uống rượu bia điều độ.
- Duy trì cân nặng hợp lý với chỉ số BMI từ 18,5 – 22,9 kg/m2.
- Tích cực giảm cân nếu bị thừa cân béo phì.
- Hạn chế căng thẳng, nghỉ ngơi hợp lý.