1. Định nghĩa
Đau thần kinh tọa là một thuật ngữ y khoa mô tả tình trạng đau dọc theo đường đi của thần kinh tọa: Đau tại cột sống thắt lưng lan dọc xuống chân.
Bệnh thường gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới và thường ở độ tuổi 30-50t.
2. Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân khác nhau tác động vào nơi xuất phát cũng như dọc đường đi của thần kinh tọa:
- Nguyên nhân hàng đầu gây chèn ép rễ thần kinh tọa: Thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống, thoái hóa cột sống thắt lưng, hẹp ống sống thắt lưng.
- Các nguyên nhân hiếm gặp hơn: Viêm tại vùng cột sống thắt lưng, tổn thương lao, chấn thương cột sống, u, viêm dây thần kinh đơn thuần do virus…
3.Triệu chứng
3.1.Triệu chứng lâm sàng
– Đau dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa: Từ thắt lưng lan xuống dưới chân là hay gặp nhất, có khi chỉ xuống tới mông, tới đùi, hoặc lan xuống tận bàn chân.
– Tùy theo vị trí tổn thương mà biểu hiện trên lâm sàng khác nhau:
- Nếu tổn thương rễ L5: Đau từ thắt lưng lan xuống mông, về phía sau ngoài đùi đến phần trước ngoài cẳng chân, vượt qua trước mắt cá ngoài rồi tới mu chân tận hết ở ngón chân cái.
- Trường hợp tổn thương rễ S1: Đau từ thắt lưng lan xuống mông, xuống mặt sau đùi, mặt sau cẳng chân tới gót chân đến mắt cá ngoài, tận hết ở gan chân hoặc bờ ngoài gan chân phía ngón chân út.
– Đau liên tục hoặc từng cơn, tăng khi đi lại nhiều giảm khi nghỉ ngơi, mức độ đau thay đổi tùy cảm nhận của bệnh nhân từ âm ỉ tới đau dữ dội. Nếu nguyên nhân do chèn ép đau tăng lên khi ho hắt hơi, khi rặn đại tiểu tiện.
– Hệ thống điểm Valleix ấn đau (Là những điểm mà dây thần kinh hông to đi qua):
- Điểm giữa ụ ngồi và mấu chuyển.
- Điểm giữa nếp lằn mông.
- Điểm giữa mặt sau đùi.
- Điểm giữa nếp kheo chân.
– Dấu hiệu bấm chuông (+): Ấn các điểm đau cạnh sống L4-L5-S1 bệnh nhân thấy đau lan theo rễ thần kinh xuống chân.
– Các nghiệm pháp làm căng rễ:
- Dấu hiệu lasegue (+): Bệnh nhân nằm ngửa 2 chân duỗi thẳng, thầy thuốc nâng thẳng chân bệnh nhân (luôn duỗi thẳng) từng bên một, tới khi bệnh nhân thấy đau căng dọc mặt sau chân thì dừng lại. Xác định góc giữa chân bệnh nhân và mặt giường nhỏ hơn 90 độ, giữ nguyên góc đó gấp chân bệnh nhân lại tại khớp gối thì bệnh nhân hết đau.
- Dấu hiệu bonnet (+): Bệnh nhân nằm ngửa 2 chân duỗi thẳng, thầy thuốc gấp cẳng chân vào đùi và gấp đùi vào bụng thì bệnh nhân thấy đau sau đùi và vùng mông bên được khám.
– Có thể có rối loạn cảm giác kèm theo như dị cảm, tê bì, kiến bò, kim châm… theo đường đi của rễ L5 hoặc S1.
– Phản xạ gân xương và cơ lực:
- Tổn thương rễ L5: Phản xạ gân gót bình thường, teo nhóm cơ cẳng chân trước ngoài, các cơ mu chân, không đi được bằng gót.
- Tổn thương rễ S1: Phản xạ gân gót giảm hoặc mất, teo cơ bắp chân, gan bàn chân, không đi được bằng mũi chân.
– Bệnh nhân có thể rối loạn thần kinh thực vật kèm theo: Bất thường về phản xạ vận mạch, nhiệt độ da, phản xạ bài tiết mồ hôi, phản xạ dựng lông ở chân đau.
3.2.Triệu chứng cận lâm sàng
– Chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng có giá trị nhất trong chẩn đoán xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh, dạng tổn thương, vị trí kích thước khối thoát vị … Đặc biệt phát hiện các nguyên nhân hiếm gặp khác như u, viêm nhiễm…
– Điện cơ giúp phát hiện đánh giá tổn thương các rễ thần kinh.
– Các xét nghiệm huyết học, sinh hóa thông thường chỉ thay đổi trong bệnh lý toàn thân, viêm nhiễm, ác tính. Không có thay đổi trong bệnh lý thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống, thoái hóa cột sống thắt lưng, hẹp ống sống thắt lưng…
4. Chẩn đoán xác định
Dựa vào triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng đã trình bày ở trên.
5. Chẩn đoán phân biệt
– Phân biệt với đau dây thần kinh của chi dưới:
- Thần kinh đùi: Đau ở mặt trước đùi, giảm hoặc mất phản xạ gân gối.
- Thần kinh bịt: Đau ở mặt trong đùi.
– Viêm khớp cùng chậu: Nghiệm pháp ép giãn cánh chậu (+), x quang khung chậu có hình ảnh tổn thương khớp cùng chậu.
– Bệnh lý khớp háng: Cử động khớp bị giới hạn, vận động đau ngay cả khi co chân, nghiệm pháp Patrick (+)
– Viêm cơ đáy chậu: Hội chứng nhiễm trùng (+), đau xuống mặt sau trong đùi, chân bên tổn thương luôn co lại và xu hướng xoay vào trong, duỗi chân ra là đau, x quang bụng có hình ảnh mờ bờ cơ đáy chậu bên đau, siêu âm cơ đáy chậu xác định rõ tổn thương.
6. Điều trị
6.1. Nguyên tắc điều trị
– Quan trọng nhất là chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây đau thần kinh tọa để điều trị theo nguyên nhân gây bệnh.
– Kết hợp vật lý trị liệu và phục hồi chức năng trong giảm đau và phục hồi vận động.
– Phòng ngừa các thương tật thứ phát và biến chứng.
– Can thiệp phẫu thuật chỉ đặt ra khi thực sự cần thiết và phương pháp bảo tồn không có hiệu quả.
6.2.Thuốc điều trị
– Điều trị đau thần kinh tọa thường kết hợp 3 nhóm thuốc:
- Thuốc chống viêm nhóm NSIADs ( Celecoxib): Dùng đường tiêm khi đau cấp và đau nhiều, đường uống khi đau ít hoặc giai đoạn bán cấp.
- Thuốc giảm đau: Bậc 1 (Paracetamol), đau nhiều có thể dùng bậc 2 (Efferalgan codein)
- Thuốc giãn cơ (Mydocalm)
– Ngoài ra có thể kết hợp dùng thuốc giảm đau thần kinh nhóm Gabapentin, vitamin nhóm B.
6.3. Vật lý trị liệu và phục hồi chức năng
– Nghỉ ngơi tuyệt đối trong trường hợp nặng, nên nằm giường cứng, tránh nằm võng hay ngồi ghế xích đu, tránh vận động mạnh như xoay người đột ngột, chạy nhảy, cúi gập người…
– Nhiệt trị liệu có tác dụng giảm đau chống co cứng cơ, giãn mạch tăng chuyển hóa dinh dưỡng như hồng ngoại, sóng ngắn, siêu âm ( Lưu ý không dùng trong trường hợp viêm nhiễm cấp tính)
– Các phương pháp điện trị liệu có tác dụng kích thích thần kinh cơ, giảm đau, tăng chuyển hóa như điện xung, điện phân…
– Kéo dãn cột sống có thể thực hiện bằng tay trong giai đoạn cấp hoặc bằng máy kéo dãn trong giai đoạn bán cấp và mạn tính, áp dụng 1-2 lần/ngày, mỗi lần 15-20p. Chỉ định trong các trường hợp thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, có tác dụng làm giảm áp lực nội khớp đồng thời làm căng hệ thống dây chằng quanh khớp đặc biệt là dây chằng dọc sau, giảm đè ép lên đĩa đệm, lên rễ thần kinh.
– Kết hợp các bài tập vận động.
6.4. Điều trị khác
– Can thiệp thủ thuật tại chỗ: Phong bế cạnh cột sống thắt lưng, phong bế rễ thần kinh ở khu vực lỗ ghép, tiêm ngoài màng cứng, phong bế hốc xương cùng.
– Can thiệp phẫu thuật: Chỉ định khi điều trị bảo tồn không hiệu quả hoặc để điều trị nguyên nhân gây bệnh như chấn thương, chỉnh hình cột sống, u tủy, thoát vị đĩa đệm nặng…
6.5. Điều trị bằng y học cổ truyền
– Bệnh nhân đau thần kinh tọa đáp ứng điều trị tốt với phương pháp châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, hiệu quả nhất khi kết hợp với vật lý trị liệu và phục hồi chức năng.
– Tùy vào từng thể bệnh sẽ có pháp và phương thuốc điều trị phù hợp.
7. Phòng bệnh
– Duy trì tư thế tốt: Hạn chế tối đa ngồi xổm, không nên ngồi quá lâu, không mang vác đồ quá nặng trên vai…
– Giảm cân: Thừa cân béo phì làm tăng nguy cơ đau thần kinh tọa do trọng lượng tăng lên gây áp lực cho cột sống dẫn đến thoát vị đĩa đệm.
– Tập thể dục thường xuyên là một cách quan trọng để phòng bệnh đau thần kinh tọa như đi bộ, bơi lội, yoga…
– Phòng tránh té ngã.
– Tăng cường sức mạnh cột sống: Sức khỏe cột sống chịu ảnh hưởng bởi các cơ lưng, cơ hai bên hông, xương chậu, mông. Do đó việc cải thiện sức mạnh cho những bộ phận này cũng là cách để ổn định cột sống. Bài tập hữu ích như yoga…
– Đau thần kinh tọa có thể trở thành mạn tính, cần theo dõi tái khám định kỳ 3 tháng để kịp thời phát hiện các biến dạng hoặc triệu chứng bệnh nặng thêm cũng như thay đổi phương pháp điều trị phù hợp.