1. U nang tuyến vú là gì?
– U nang tuyến vú thường là một khối u lành tính được hình thành và phát triển trong tuyến vú của phụ nữ. Thậm chí, mỗi phụ nữ còn có thể có vài ba túi u nang tuyến vú cùng lúc, có thể ở một bên vú, cũng có thể xuất hiện ở cả hai bên vú.
– Khối u này có hình tròn hoặc hình bầu dục, dạng túi, có kích thước tương ứng một quả nho hoặc như bong bóng chứa nước. Mỗi túi u nang chứa dịch lỏng bên trong.
– Nang vú thường không cần điều trị trừ khi nang to quá gây đau. Trong trường hợp nang to nên chọc hút dịch nang để giảm triệu chứng.
– Có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, thường gặp ở phụ nữ trước mãn kinh, dưới 50 tuổi, phụ nữ có dùng thuốc hỗ trợ nội tiết tố nữ.
– U nang vú là một trong những khối u vú phổ biến nhất ở phụ nữ và có khoảng 1% nguy cơ phát triển thành ung thư vú (khi các khối u nang phát triển, vẫn có khả năng tế bào ung thư hình thành bên trong các khối nang). Vì vậy khi phát hiện có u nang vú, bác sĩ thường khuyến nghị thực hiện kiểm tra vú thường xuyên để phát hiện sớm dấu hiệu bất thường của ung thư vú.
2. Nguyên nhân
– Mỗi bên ngực chứa các thùy tuyến vú. Các thùy được chia thành các tiểu thùy nhỏ hơn để sản xuất sữa khi mang thai và cho con bú. Mô nâng đỡ tạo nên hình dạng của vú được tạo thành từ mô mỡ và mô liên kết sợi. Nang vú phát triển do sự tích tụ chất dịch bên trong các tuyến ở vú.
– Hiện tại chưa biết rõ nguyên nhân gây nang vú, có thể hình thành do sự thay đổi nội tiết tố mỗi chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng. Đó là lý do tại sao nang vú phổ biến nhất ở những phụ nữ vẫn đang trong độ tuổi sinh sản. Chỉ có một tỷ lệ nhỏ nang vú xảy ra ở phụ nữ sau mãn kinh.
– Một số yếu tố nguy cơ hình thành nang đơn ổ:
- Di truyền.
- Chấn thương vú, viêm vú.
- Béo phì.
- Trên 35 tuổi.
- Dậy thì sớm.
- Rối loạn nội tiết.
- Stress.
- Không cho con bú/ sinh con muộn.
- Sảy thai/ phá thai.
3. Phân loại
3.1. Vi nang
Nang kích thước nhỏ có thể được nhìn thấy trong các xét nghiệm hình ảnh, như chụp nhũ ảnh tuyến vú hoặc siêu âm, nhưng quá nhỏ để cảm nhận được.
3.2. Nang kích thước lớn
Nang kích thước lớn có thể sờ thấy và có thể phát triển đến 2,5 – 5 cm.
4. Triệu chứng
Nang vú có thể có ở 1 hay 2 bên vú. Triệu chứng của nang vú:
- Một khối tròn hoặc bầu dục nhẵn, dễ di chuyển, bề mặt trơn láng.
- Tiết dịch núm vú: Tiết dịch núm vú có thể trong, vàng, màu rơm hoặc nâu sẫm.
- Đau vú hoặc nhạy cảm khu trú ở vùng có nang vú.
- Kích thước nang vú tăng lên và căng tức ở vú ngay trước kỳ kinh nguyệt.
- Kích thước nang vú giảm và các triệu chứng khác biến mất sau kỳ kinh nguyệt.
=> Tuy u nang tuyến vú không phải tác nhân làm tăng nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ, nhưng khối u nang có thể cản trở quá trình phát hiện và điều trị những bệnh lý khác. Bởi lẽ khối u càng lớn càng che mờ những thay đổi khác diễn ra trong tuyến vú mà bác sĩ không thể đánh giá.
5. Chẩn đoán
5.1. Khám vú lâm sàng
Sau khi khai thác tiền sử, bệnh sử của người bệnh. Bác sĩ sẽ thăm khám khối u ở vú và kiểm tra xem có bất kỳ bất thường nào khác ở vú không.
5.2. Cận lâm sàng
– Chụp nhũ ảnh (mammography):
- Chụp nhũ ảnh (mammography) là một phương pháp sàng lọc sớm để phát hiện ung thư vú. Phương pháp này sử dụng tia X để tạo ra các hình ảnh bên trong của vú. Các nang lớn và các chùm nang nhỏ thường có thể được nhìn thấy bằng chụp nhũ ảnh tuyến vú. Nhưng các nang siêu nhỏ có thể khó hoặc không thể nhìn thấy trên phim chụp.
- Trong quá trình chụp nhũ ảnh, vú của bạn sẽ được đặt lên một bề mặt phẳng và có lực nén để tạo ra các hình ảnh rõ ràng hơn. Phương pháp này có thể tạo ra cảm giác khó chịu hoặc đau nhẹ, nhưng thường chỉ kéo dài trong một vài giây.
– Siêu âm vú:
- Siêu âm vú là một phương pháp an toàn và không xâm lấn, không sử dụng tia X hay bức xạ và không gây đau đớn cho người bệnh. Siêu âm được khuyến cáo cho các phụ nữ trên 40 tuổi hoặc có tiền sử ung thư vú trong gia đình để thực hiện kiểm tra vú định kỳ.
- Siêu âm vú giúp bác sĩ xác định khối ở vú là chứa dịch hay đặc. Một khối chứa đầy chất dịch thường là một nang vú. Khối dạng đặc có thể là u vú lành tính (như là u sợi tuyến) hoặc có thể là ung thư vú.
- Bác sĩ có thể đề nghị sinh thiết để đánh giá thêm nếu đó là một khối đặc. Nếu bác sĩ có thể dễ dàng sờ thấy nang vú, bác sĩ có thể bỏ qua các xét nghiệm hình ảnh và thực hiện chọc hút bằng kim nhỏ để hút dịch và làm xẹp nang.
– Chọc hút bằng kim nhỏ:
- Bác sĩ sẽ đưa một cây kim mỏng vào nang vú và rút bỏ chất dịch. Thông thường chọc hút bằng kim nhỏ được thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm để chọc kim chính xác vào nang. Nếu sau khi rút hết dịch và khối ở vú biến mất, bác sĩ có thể chẩn đoán là u nang vú.
- Nếu chất lỏng không có máu và có màu vàng rơm và khối ở vú biến mất, bạn không cần xét nghiệm hoặc điều trị thêm.
- Nếu chất lỏng có máu hoặc khối ở vú không biến mất, bác sĩ có thể gửi một mẫu chất lỏng để xét nghiệm và cần làm thêm các xét nghiệm hình ảnh để đánh giá. Sinh thiết một mẫu mô được thực hiện để loại trừ ung thư.
6. Điều trị
Không cần điều trị đối với nang vú đơn giản, những nang chứa đầy chất dịch và không gây ra bất kỳ triệu chứng nào, được xác nhận trên siêu âm vú hoặc sau khi chọc hút bằng kim nhỏ. Nhiều nang vú sẽ biến mất mà không cần điều trị.
6.1. Chọc hút bằng kim nhỏ
Chọc hút bằng kim nhỏ có thể được sử dụng để chẩn đoán và điều trị nang vú để giảm triệu chứng khi nang to gây đau. Tuy nhiên một số nang vú có thể phải chọc hút dịch nhiều lần và có thể bị tái phát.
6.2. Sử dụng thuốc nội tiết tố
– Phương pháp điều trị này có tác dụng ngăn cơ thể sản sinh nội tiết tố estrogen và làm cho khối u không thể phát triển.
– Nhược điểm của phương pháp này là không thể điều trị dứt điểm. Nhiều trường hợp đã bị tái phát ngay sau khi ngưng dùng thuốc. Thậm chí, bệnh còn trở nên nghiêm trọng hơn trước khi dùng thuốc. Ngoài ra, thuốc nội tiết còn gây ra một vài tác dụng phụ như tắc kinh, loãng xương…
6.3. Phẫu thuật
– Sử dụng thuốc không hiệu quả hoặc có tiên lượng xấu, các bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân phẫu thuật bóc tách khối u.
– Đây là phương pháp giúp nhanh chóng loại bỏ các túi nang. Tuy nhiên, phương pháp này cũng chưa phải tối ưu vì vẫn có những hạn chế:
- Không loại bỏ triệt để được các tế bào sinh u.
- Bệnh có nguy cơ tái phát.
- Gây cản trở bầu ngực phát triển tự nhiên.
- Gây ảnh hưởng tới sức khỏe và khả năng nuôi con bằng sữa mẹ.
7. Phòng bệnh
– Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Trong quá trình kiểm tra sức khỏe, bạn có thể yêu cầu kiểm tra cẩn thận tuyến vú để phát hiện các dấu hiệu của u nang tuyến vú.
– Điều chỉnh chế độ ăn uống: Ăn nhiều rau quả, ngũ cốc, các loại thực phẩm giàu chất xơ và giảm tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn sẽ giúp giảm nguy cơ mắc u nang tuyến vú.
– Tập thể dục đều đặn: Tập thể dục đều đặn, ít nhất 30 phút mỗi ngày và tối thiểu 5 ngày/tuần, có thể giảm nguy cơ mắc u nang tuyến vú.
– Kiểm soát cân nặng: Giảm cân và duy trì cân nặng lành mạnh cũng giúp giảm nguy cơ mắc u nang tuyến vú.
– Hạn chế uống rượu: Uống nhiều rượu có thể tăng nguy cơ mắc u nang tuyến vú.
– Tránh hút thuốc: Hút thuốc làm tăng nguy cơ u nang tuyến vú và các bệnh ung thư khác.
– Tránh sử dụng hormone nội tiết khi chưa có chỉ định của bác sĩ: Việc sử dụng hormone nội tiết như thuốc tránh thai có thể tăng nguy cơ mắc u nang tuyến vú.